Chưa rõ về lợi ích giảm tử suất của truyền kháng sinh liên tục so với truyền ngắt quãng trong điều trị nhiễm trùng huyết

09 Jul 2024
Chưa rõ về lợi ích giảm tử suất của truyền kháng sinh liên tục so với truyền ngắt quãng trong điều trị nhiễm trùng huyết

Theo kết quả nghiên cứu pha III, nhãn mở BLING, việc truyền liên tục kháng sinh β-lactam để điều trị nhiễm trùng huyết nặng không giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trong 90 ngày so với việc truyền kháng sinh ngắt quãng.

Phân tích được thực hiện trên 7.031 bệnh nhân trưởng thành (trung bình 59 tuổi, 35% là nữ) từ 104 đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) tại Úc, Bỉ, Pháp, Malaysia, New Zealand, Thụy Điển và Vương quốc Anh. Bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên trong thời gian điều trị do bác sĩ xác định hoặc cho đến khi được chuyển ra khỏi ICU, tùy điều kiện nào xảy ra trước, để truyền liên tục (n=3.498) hoặc truyền ngắt quãng (n=3.533) kháng sinh β-lactam (piperacillin-tazobactam hoặc meropenem) liều 24 giờ tương đương.

Tiêu chí chính là tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trong 90 ngày sau khi phân nhóm ngẫu nhiên. Các tiêu chí phụ bao gồm: khỏi bệnh trên lâm sàng ngày 14; nhiễm mới, có sự hiện diện hoặc lây nhiễm các tác nhân đa kháng thuốc hoặc Clostridioides difficile trong 14 ngày sau khi phân nhóm ngẫu nhiên; tỷ lệ tử vong ở ICU; tỷ lệ tử vong tại bệnh viện.

Trong 90 ngày, 864 bệnh nhân ở nhóm truyền liên tục và 939 bệnh nhân ở nhóm truyền ngắt quãng đã tử vong (24,9% so với 26,8%), khác biệt không có ý nghĩa thống kê (chênh lệch tuyệt đối -1,9%; khoảng tin cậy [CI] 95%: −4,9 đến 1,1; tỷ số chênh [OR] 0,91; CI 95%: 0,81–1,01; p=0,08).

Tỷ lệ khỏi bệnh trên lâm sàng ở nhóm truyền liên tục cao hơn so với nhóm truyền ngắt quãng (55,7% so với 50,0%; chênh lệch tuyệt đối 5,7%; CI 95%: 2,4–9,1; OR 1,26; CI 95%: 1,15–1,38). Không ghi nhận khác biệt đáng kể ở các tiêu chí phụ khác.

JAMA 2024;doi:10.1001/jama.2024.9779