Hệ thống bơm insulin tự động mang lại lợi ích trong kiểm soát đái tháo đường típ 2

26 Aug 2024 bởiJairia Dela Cruz
Hệ thống bơm insulin tự động mang lại lợi ích trong kiểm soát đái tháo đường típ 2

Hệ thống bơm insulin tự động (AID) cho thấy giúp cải thiện các kết cục lâm sàng ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) típ 2 qua nghiên cứu then chốt SECURE-T2D, với những cải thiện đáng kể về HbA1c, tổng liều insulin hàng ngày, và stress do ĐTĐ, mà không làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Theo báo cáo của BS. Francisco Pasquel, Đại học Emory, Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, trong đoàn hệ gồm 305 bệnh nhân ĐTĐ típ 2 trưởng thành (trung bình 57 tuổi, 57% là nữ, 24% là người da đen, trung bình BMI 35 kg/m2), việc sử dụng hệ thống AID Omnipod 5 trong 13 tuần giúp giảm 0,8% HbA1c - tiêu chí chính của nghiên cứu, từ 8,2% ở thời điểm ban đầu xuống 7,4% ở tuần thứ 13 (p<0,001). [ADA 2024, abstract 1904-LB]

BS. Pasquel cho biết thêm, HbA1c giảm nhiều hơn ở bệnh nhân có chỉ số HbA1c ban đầu cao hơn, giảm 2,1% ở bệnh nhân có HbA1c ban đầu ≥9,0%. Hơn nữa, HbA1c cải thiện ở nhiều phân nhóm bệnh nhân, gồm các phân nhóm theo chủng tộc (dù hiệu quả rõ ràng hơn ở bệnh nhân gốc Tây Ban Nha hoặc Latin), sử dụng thuốc đồng vận thụ thể GLP-1, chỉ dùng insulin nền hoặc tiêm insulin nhiều lần trong ngày, sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM), và dùng phương pháp tính liều insulin theo bữa ăn (như tính lượng carbohydrate ăn vào, nhỏ/trung bình/lớn, dùng lượng carbohydrate tiêu thụ cố định).

BS. Pasquel cho biết những dữ liệu này gợi ý rằng người trưởng thành mắc ĐTĐ típ 2 cần điều trị bằng insulin có thể được hưởng lợi rất nhiều từ AID bất kể họ có đang sử dụng thuốc hạ đường huyết khác hay không, và AID có thể mang lại lợi ích bổ sung ngoài lợi ích kiểm soát đường huyết được ghi nhận khi sử dụng CGM.

Không chỉ là kiểm soát đường huyết

Ngoài HbA1c, các kết cục lâm sàng khác cũng được cải thiện khi sử dụng AID. Thời gian đường huyết trong khoảng mục tiêu tăng 20%, từ 45% ở thời điểm ban đầu lên 66% ở tuần thứ 13. BS. Pasquel lưu ý rằng, với AID, bệnh nhân có thêm đến 5 tiếng/ngày duy trì đường huyết trong khoảng mục tiêu (70 - 180 mg/dL) - cải thiện từ việc giảm tình trạng tăng đường huyết.

Hơn nữa, đường huyết được duy trì mà không làm tăng đáng kể nguy cơ hạ đường huyết. Tỷ lệ thời gian đường huyết dưới 54 mg/dL (từ 0,01% đến 0,04%) và dưới 70 mg/dL (từ 0,2% đến 0,2%) hầu như không thay đổi từ ban đầu đến tuần thứ 13.

Trong khi đó, lượng insulin giảm từ trung bình 0,80 đơn vị (U)/kg/ngày xuống 0,57 U/kg/ngày ở tuần thứ 13, tương ứng với trung bình giảm 23 U/ngày. Tỷ lệ người tham gia dùng >100 U/ngày đã giảm 64%. Trung bình số lần tiêm bolus/ngày với AID là 3,2.

Sau cùng, đã có ghi nhận cải thiện đáng kể và có ý nghĩa lâm sàng về stress do ĐTĐ, đo bằng Hệ thống Đánh giá Stress ĐTĐ típ 2 (Type 2 Diabetes Distress Assessment System - T2-DDAS). Số người tham gia có tổng điểm T2-DDAS ≥2,0 giảm từ 66% ở thời điểm ban đầu xuống 55% ở tuần thứ 13 (p<0,001). BS. Pasquel đưa ra ví dụ, số bệnh nhân ghi nhận mục 6 – “Khi nói đến bệnh ĐTĐ của tôi, tôi thường cảm thấy thất bại” – là một trở ngại có mức độ từ trung bình đến rất nghiêm trọng đã giảm từ 43% xuống 27%.

Về tính an toàn, theo BS. Pasquel, “không ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm toan ceton liên quan ĐTĐ hoặc hội chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết. Có một trường hợp hạ đường huyết nặng, nhưng không liên quan đến sự cố của thiết bị nghiên cứu.”

Mười ba biến cố bất lợi nghiêm trọng khác đã được ghi nhận, nhưng không có trường hợp nào liên quan đến đường huyết hoặc thiết bị nghiên cứu.

Người tham gia rất hài lòng với hệ thống AID, hơn 70% cho biết họ hầu như không nhận thấy mình đang đeo Omnipod 5 và bày tỏ mong muốn tiếp tục sử dụng thiết bị này sau nghiên cứu. Cuối cùng, 90% cho biết họ sẽ giới thiệu hệ thống AID cho người thân hoặc bạn bè.

Tiềm năng thay đổi trong chăm sóc ĐTĐ típ 2

Omnipod 5 là một máy bơm insulin không có ống, tự động điều chỉnh lượng insulin được tiêm vào cơ thể dựa trên dữ liệu CGM. Mục tiêu của hệ thống bơm này là cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết bằng cách điều chỉnh theo mức đường huyết ở thời gian thực, đồng thời giảm gánh nặng chỉnh liều insulin thủ công cho bệnh nhân ĐTĐ.

BS. Pasquel cho biết, do điều trị tăng cường insulin có thể góp phần làm tăng nguy cơ hạ đường huyết nặng và tử vong, "AID trong ĐTĐ típ 2 có thể là phương pháp tối ưu giúp đạt đường huyết mục tiêu và hạn chế tình trạng hạ đường huyết."

Thực vậy, ông nói thêm: "các kết quả từ nghiên cứu SECURE-T2D nhấn mạnh tiềm năng của hệ thống AID Omnipod 5 trong việc thay đổi cách kiểm soát ĐTĐ ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 trưởng thành. Những cải thiện đáng kể về kiểm soát đường huyết và chất lượng cuộc sống, đặc biệt trong các cộng đồng thiểu số, là những bước tiến đầy hứa hẹn, hướng tới sự công bằng hơn trong chăm sóc bệnh nhân ĐTĐ."

SECURE-T2D là một trong những nghiên cứu về công nghệ ĐTĐ đa chủng tộc nhất, bao gồm 24% người da đen và 22% người gốc Tây Ban Nha từ 21 trung tâm trên khắp Hoa Kỳ. Hơn một nửa (55%) dân số nghiên cứu sử dụng liều ổn định đồng vận thụ thể GLP-1, 73% sử dụng nhiều mũi tiêm insulin/ngày, 21% chỉ sử dụng insulin nền, và chỉ có 5,6% sử dụng bơm insulin tại thời điểm ban đầu. Người tham gia bắt đầu sử dụng Omnipod 5 sau 14 ngày khởi trị với điều trị chuẩn. Họ được ăn uống, tập thể dục không hạn chế, và được lựa chọn tiêm insulin bolus chỉ với mục đích điều chỉnh đường huyết theo lượng carbohydrate tiêu thụ thực tế hoặc theo chế độ carbohydrate cố định.

Theo BS. Pasquel, bước tiếp theo trong nghiên cứu là đánh giá các kết cục lâu dài và tiềm năng của một giải pháp mới nhằm giải quyết các khía cạnh khác trong quản lý bệnh ĐTĐ. Ông cho biết thêm các phân tích đang được tiến hành sẽ nhằm tinh chỉnh và nâng cao các thuật toán của hệ thống để tối ưu hóa lợi ích cho người dùng.

Nguồn tiếng Anh: https://www.mims.com/specialty/topic/automated-insulin-delivery-system-beneficial-for-t2d-management