LO ÂU VÀ TRẦM CẢM PHỔ BIẾN Ở CÁC CƠ SỞ CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU

09 Jul 2024
LO ÂU VÀ TRẦM CẢM PHỔ BIẾN Ở CÁC CƠ SỞ CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU

 

Một nghiên cứu tại Singapore cho thấy đồng mắc trầm cảm và lo âu (DA) trên lâm sàng là không hiếm gặp ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt ở người trẻ, bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) và phụ nữ.

Tác giả chính của nghiên cứu, BS. Eugene Chua - Phòng khám đa khoa Hougang, Singapore, cho biết, “Chúng tôi đề xuất các chương trình tầm soát sức khỏe tâm thần trong cộng đồng nên bao gồm cả trầm cảm và lo âu, thay vì chỉ sàng lọc một trong hai tình trạng này. Tầm soát sức khỏe tâm thần nên nhắm vào các nhóm đối tượng nguy cơ, như người trẻ tuổi và bệnh nhân ĐTĐ.”

BS. Chua và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu cắt ngang này bằng phương pháp lấy mẫu phân tầng theo độ tuổi và dùng bảng câu hỏi khảo sát tự trả lời tại các Phòng khám đa khoa thuộc Tập đoàn National Healthcare ở Singapore, từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022. Trầm cảm trên lâm sàng được xác định khi tổng điểm của Bảng câu hỏi về Sức khỏe Bệnh nhân-9 (Patient Health Questionnaire [PHQ]-9) ≥10, và lo âu trên lâm sàng được xác định khi tổng điểm của Bảng câu hỏi Rối loạn lo âu lan tỏa-7 (Generalized Anxiety Disorder [GAD]-7) ≥10.

Sau cùng, các tác giả đã xác định các yếu tố liên quan đến trầm cảm và lo âu bằng cách sử dụng hồi quy logistic đa biến.

Trong tổng số 5.694 bệnh nhân được khảo sát, 3.505 (61,6%) bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu. DA (5,4%) phổ biến hơn so với chỉ trầm cảm trên lâm sàng (3,3%) và chỉ lo âu trên lâm sàng (1,9%). [Ann Acad Med Singap2024;53:293-305]

DA phổ biến hơn ở nhóm 21-39 tuổi (tỷ số chênh [OR] 13,49, khoảng tin cậy [CI] 95%: 5,41-33,64) và nhóm 40-64 tuổi (OR 2,28; CI 95%: 1,03-5,03) so với nhóm 65 tuổi. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng mắc DA hơn nam giới (OR 2,33; CI 95%: 1,54-3,50).

 

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thêm vào đó, bệnh nhân ĐTĐ cũng có tỷ lệ mắc DA cao hơn so với người không mắc bệnh (OR 1,78, CI 95%: 1,072,94).

Theo BS. Chua, ĐTĐ có mối quan hệ phức tạp với lo âu và trầm cảm. Bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ cao mắc lo âu và trầm cảm, và những người có lo âu trầm cảm có nguy cơ cao mắc ĐTĐ. [Psychosom Med2016;78:233-241;BMC Public Health2019;19:1268]

Nhiều nghiên cứu ở châu Á cũng ghi nhận khả năng mắc trầm cảm cao hơn ở bệnh nhân ĐTĐ, với tỷ lệ cao gấp 5 lần trong nghiên cứu ở Malaysia (OR 5,05; CI 95%: 2,0812,27), gấp 1,3 lần trong nghiên cứu ở Hồng Kông (OR 1,35; CI 95%: 1,251,46), và gấp 2,22 lần trong nghiên cứu ở Thái Lan (OR 2,22; CI 95%: 1,283,84). [Singapore Med J2021;62:653-658;J Nutr Health Aging2011;15:751-755;Int J Environ Res Public Health2022;19:10574]

Đáng chú ý, việc điều trị trầm cảm ở bệnh nhân ĐTĐ giúp cải thiện kiểm soát đường huyết và chất lượng cuộc sống, trong khi việc sử dụng metformin giúp làm giảm nguy cơ mắc trầm cảm. [Int J Integr Care2022;22:12;J Affect Disord2022;318:380-385]

 

Hỗ trợ từ xã hội

Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hỗ trợ từ xã hội có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và thậm chí có thể mang lại lợi ích bảo vệ chống lại sự khởi phát các vấn đề sức khỏe tâm thần. [Electron Physician2017;9:5212-5222;Psychiatry Res2020;293:113452]

BS. Chua cho biết: “Trong kiểm soát trầm cảm và lo âu trong cộng đồng, cần cân nhắc các nỗ lực cải thiện các hỗ trợ từ xã hội. Nghiên cứu sâu hơn để hiểu loại hỗ trợ xã hội cụ thể nào có ảnh hưởng lớn nhất đến trầm cảm và lo âu sẽ giúp lập kế hoạch nguồn lực và cải thiện tính sẵn có của hệ thống hỗ trợ này.”