mHealth được sử dụng ngày càng nhiều ở người trưởng thành có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch

09 Jul 2024
mHealth được sử dụng ngày càng nhiều ở người trưởng thành có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch

Theo một nghiên cứu, công nghệ y tế di động (mHealth: mobile health) cho thấy mang lại lợi ích ở người trưởng thành có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch (CVD), thông qua việc chia sẻ thông tin và thảo luận về các quyết định liên quan đến sức khỏe với bác sĩ của họ.

Tác giả chính, TS. Yuling Chen thuộc Trường Điều dưỡng, Đại học Johns Hopkins, Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ cho biết: "Xu hướng này đặc biệt rõ ràng ở người trưởng thành trẻ tuổi và phụ nữ khi so sánh với người có nguy cơ CVD thấp."

Trong nghiên cứu này, TS. Chen và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu cắt ngang từ Khảo sát Xu hướng Thông tin Y tế Quốc gia từ năm 2017 đến năm 2020. Các yếu tố nguy cơ CVD được đánh giá bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, lối sống ít vận động, và thừa cân hoặc béo phì. Nguy cơ CVD được xem là thấp khi có 0-1, trung bình khi có 2-3, và cao khi có 4-5 yếu tố nguy cơ.

Việc sử dụng mHealth được đánh giá dựa trên các tiêu chí: dùng mHealth để đưa ra quyết định, theo dõi tiến trình sức khỏe, chia sẻ thông tin, và thảo luận về các quyết định liên quan đến sức khỏe với bác sĩ. Mối liên quan giữa nguy cơ CVD và việc sử dụng mHealth được đánh giá bằng mô hình hồi quy logistic đa biến, được điều chỉnh theo các yếu tố nhân khẩu học.

Tổng cộng có 10.531 người trưởng thành (trung bình 54 tuổi, nam giới chiếm 50,2%, người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha chiếm 65,4%) được đánh giá. Trong đó, 41,9% sử dụng mHealth để đưa ra quyết định về sức khỏe, 50,8% để theo dõi tiến trình sức khỏe, 18,3% để chia sẻ thông tin với bác sĩ, và 37,7% để thảo luận về các quyết định liên quan đến sức khỏe với bác sĩ. [J Med Internet Res 2024; 26: e46277]

Công nghệ mHealth

So với người trưởng thành có nguy cơ CVD thấp, những người có nguy cơ CVD trung bình có xu hướng sử dụng mHealth nhiều hơn để chia sẻ thông tin với bác sĩ (tỷ số chênh hiệu chỉnh [aOR] 1,49, khoảng tin cậy [CI] 95%: 1,24‒1,80) và để thảo luận về các quyết định liên quan đến sức khỏe với bác sĩ của họ (aOR 1,22, CI 95%: 1,04‒1,44).

Tương tự, người trưởng thành có nguy cơ CVD cao sử dụng mHealth nhiều hơn để chia sẻ thông tin sức khỏe (aOR 2,61, CI 95%: 1,93‒3,54) và thảo luận về các quyết định liên quan đến sức khỏe với bác sĩ của họ (aOR 1,56, CI 95%: 1,17‒2,10) so với người trưởng thành có nguy cơ CVD thấp.

Đáng chú ý, mối liên quan giữa nguy cơ CVD và việc sử dụng mHealth để thảo luận về các quyết định liên quan đến sức khỏe với bác sĩ có sự khác biệt về tuổi tác và giới tính sau khi phân tầng.

TS. Chen cho biết: "Các kết quả này gợi ý một phương pháp đầy hứa hẹn để cải thiện giao tiếp trong chăm sóc sức khỏe, và thúc đẩy các nỗ lực phòng ngừa tiên phát và thứ phát liên quan đến kiểm soát các yếu tố nguy cơ CVD thông qua việc sử dụng hiệu quả công nghệ mHealth."

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng mHealth được sử dụng khác nhau tùy theo sự hiện diện của các bệnh mạn tính hoặc các yếu tố nguy cơ CVD, cũng như nhân khẩu học (ví dụ: tuổi, giới tính, chủng tộc, trình độ học vấn, bảo hiểm và khu vực cư trú). [JAMA 2021; 326: 1286-1298; J Med Internet Res 2021; 23: e23765; J Med Internet Res 2018; 20: e277; J Med Internet Res 2020

Nhiều nghiên cứu khác cũng đã kiểm tra sự khác biệt trong việc sử dụng công nghệ mHealth giữa những người có và không có yếu tố nguy cơ CVD. [J Am Heart Assoc 2019; 8: e014390; J Med Internet Res 2021; 23: e23765]

TS. Chen cho biết: “Những nghiên cứu này gợi ý mối liên quan giữa nguy cơ CVD và sử dụng mHealth có thể thay đổi dựa trên tổng số yếu tố nguy cơ CVD hiện có.”