
Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các chế phẩm bổ sung multivitamin mỗi ngày không giúp kéo dài tuổi thọ.
Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng dữ liệu từ 3 nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu tại Mỹ, mỗi nghiên cứu đều có dữ liệu sử dụng multivitamin tại thời điểm ban đầu (đánh giá từ năm 1993 đến 2001) và trong giai đoạn theo dõi sau đó (từ năm 1998 đến 2004), thời gian theo dõi được kéo dài đến 27 năm và mô tả chi tiết các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn.
Dân số nghiên cứu bao gồm 390.124 người trưởng thành (trung vị độ tuổi là 61,5; 55,4% là nam) không có tiền sử ung thư hay các bệnh mạn tính khác. Trong đó, 327.732 người từ nghiên cứu về Chế độ ăn uống và Sức khỏe của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Hiệp hội Hưu trí Hoa Kỳ (NIH-AARP); 42.732 người từ nghiên cứu tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, phổi, đại trực tràng và buồng trứng; và 19.660 người từ nghiên cứu Sức khỏe Nông nghiệp.
Trong hơn 7.861.485 bệnh nhân-năm theo dõi đã ghi nhận 164.762 trường hợp tử vong; với 49.836 trường hợp tử vong do ung thư, 35.060 do bệnh tim và 9.275 do bệnh mạch máu não.
Nhóm sử dụng multivitamin có 49,3% là nữ và 42% có trình độ đại học, so với lần lượt là 39,3% và 37,9% ở nhóm không dùng multivitamin. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc ở nhóm dùng multivitamin (11%) thấp hơn so với nhóm không dùng multivitamin (13%).
Mô hình hồi quy Cox đa biến cho thấy multivitamin không đem lại lợi ích giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cả trong nửa đầu giai đoạn theo dõi (tỷ số nguy cơ đã điều chỉnh [aHR] 1,04; khoảng tin cậy [CI] 95%: 1,02-1,07) và nửa sau giai đoạn theo dõi (aHR 1,04; CI 95%: 0,99-1,08). Kết quả nhất quán trong các phân tích về nguyên nhân chính gây tử vong và phân tích theo thời gian.
JAMA Netw Open 2024;7:e2418729