NỒNG ĐỘ VITAMIN D THẤP LIÊN QUAN ĐẾN SỐT XUẤT HUYẾT NẶNG

09 Jul 2024
NỒNG ĐỘ VITAMIN D THẤP LIÊN QUAN ĐẾN SỐT XUẤT HUYẾT NẶNG

Theo một nghiên cứu đơn trung tâm ở Singapore, người trưởng thành có nồng độ vitamin D thấp nhiễm virus sốt xuất huyết (dengue virus) có nhiều khả năng mắc bệnh nặng, bao gồm chảy máu nghiêm trọng.

Tác giả chính của nghiên cứu, BS. Sapna Sadarangani - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Tan Tock Seng, Singapore, cho biết “Phản ứng miễn dịch có thể ảnh hưởng đến độ nặng của bệnh sốt xuất huyết ở người trưởng thành. Vitamin D có nhiều tác dụng điều hòa miễn dịch trên cả hệ miễn dịch bẩm sinh và thích nghi của cơ thể.”

BS. Sadarangani và các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu đoàn hệ này tại một viện nghiên cứu lớn để tìm hiểu mối liên quan giữa nồng độ 25-hydroxyvitamin D (25[OH]D) trong cơ thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết ở người trưởng thành.

Các mẫu lưu trữ từ những bệnh nhân sốt xuất huyết được xác định bằng cận lâm sàng đã được sử dụng để đo tổng nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh bằng xét nghiệm miễn dịch điện hóa phát quang. 80 bệnh nhân (trung vị 43 tuổi) đã tham gia tiến cứu trong giai đoạn 2012‒2016 tại Bệnh viện Tan Tock Seng.

Trong số các bệnh nhân, 6 người mắc sốt xuất huyết nặng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 1997 (sốt xuất huyết dengue/hội chứng sốc sốt xuất huyết) và 6 người khác mắc sốt xuất huyết nặng theo tiêu chuẩn của WHO 2009. Trong giai đoạn cấp tính của bệnh, bệnh nhân có trung vị nồng độ 25(OH)D là 6,175 mcg/L (khoảng 3,00‒15,29 mcg/L). [Singapore Med J 2024;65:332-339]

Sau khi hiệu chỉnh theo tuổi, giới tính và chủng tộc, kết quả cho thấy nồng độ 25(OH)D tương quan nghịch với sốt xuất huyết nặng theo tiêu chuẩn của WHO 2009 (tỷ số nguy cơ đã điều chỉnh [adjusted risk ratio – aRR] 0,72; khoảng tin cậy [confidence interval - CI] 95%: 0,57‒ 0,91; p<0,01).

Nồng độ 25(OH)D huyết thanh cũng cho thấy liên quan đáng kể với tình trạng xuất huyết nặng (aRR 0,71; CI 95%: 0,53‒0,96; p=0,024), nhưng không liên quan với sự rò rỉ huyết tương nặng dẫn đến sốc (aRR 0,73; CI 95% 0,48‒1,114; p=0,142). Đáng chú ý, giảm tiểu cầu dường như không phải yếu tố trung gian cho mối liên quan giữa nồng độ 25(OH)D thấp và xuất huyết nặng.

BS. Sadarangani cho biết: “Thiếu vitamin D không phải là hiếm ở Singapore và các khu vực nhiệt đới khác có lưu hành sốt xuất huyết, mặc dù mức độ tiếp xúc với tia cực tím cao quanh năm”. [Nutrients 2017;9:313; PLoS One 2016;11:e0147616]

Bà nói thêm: “Những đối tượng tham gia nghiên cứu của chúng tôi có tổng nồng độ 25(OH)D thấp ở thời điểm cấp tính, và nồng độ thấp hơn ở những người gốc Malay và Ấn Độ so với người Trung Quốc, cũng đã được báo cáo ở các nghiên cứu khác”.

 

Cơ chế miễn dịch

Theo các tác giả, một vài nghiên cứu đã khảo sát chi tiết hơn mối liên quan giữa 25(OH)D với diễn tiến và mức độ nặng của bệnh sốt xuất huyết.

Trong một nghiên cứu in vitro sử dụng các dòng tế bào mono tủy và tế bào gan ở người được phơi nhiễm với nhiều nồng độ 1,25(OH)2D3 khác nhau và nhiễm virus sốt xuất huyết serotype-4, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy tỉ lệ tế bào bị nhiễm và việc sản xuất TNF-α, IL-1B, IL-6, và IL-12p70 giảm đáng kể, và tương quan liều-đáp ứng với nồng độ 1,25(OH)2D3. [Antiviral Res 2012;94:57-61]

Tuy nhiên, các cơ chế miễn dịch tiềm ẩm vẫn chưa được làm rõ.

BS. Sadarangani cho biết: “Có nhiều giả thuyết miễn dịch học về cách vitamin D có thể ảnh hưởng đến tính nhạy cảm với nhiễm trùng và phản ứng viêm”. [Clin Chim Acta 2018;478:140-151]

Bà nói thêm: “Cần có thêm các nghiên cứu về cơ chế miễn dịch tiềm ẩn cách 25(OH)D tác động lên quá trình nhiễm sốt xuất huyết và các tác động lên nội mạc mạch máu”.