
Theo một nghiên cứu tại Singapore, việc trẻ sơ sinh bị sốt đến phòng cấp cứu muộn hơn 24 giờ sau khi khởi phát sốt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng (SBI).
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Việc nhập viện muộn có thể làm trì hoãn việc thăm khám và điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết và tử vong."
Sốt là một trong những lý do thường gặp nhất khiến trẻ phải nhập cấp cứu. Việc xác định ổ nhiễm trùng có thể là một thách thức, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Mặc dù hầu hết trẻ đều hồi phục hoàn toàn, nhiễm trùng vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. [https://www.childrens.health.qld.gov.au/for-health-professionals/queensland-paediatric-emergency-care-qpec/queensland-paediatric-clinical-guidelines/febrile-illness]
Một nghiên cứu tiến cứu đã được thực hiện trên 1.911 trẻ sơ sinh (≤90 ngày tuổi) bị sốt, nhập cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi KK, Singapore từ 11/2017 đến 7/2022. [Ann Acad Med Singap 2024; 53: 286-292]
Tổng cộng có 198 trẻ sơ sinh nhập viện muộn (được xác định khi trẻ đến phòng cấp cứu sau hơn 24 giờ kể từ khi khởi phát sốt) và 337 trẻ bị SBI, gồm nhiễm trùng đường tiết niệu (89%) và viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết (11%).
So với trẻ không bị trì hoãn việc nhập viện, trẻ nhập viện muộn có nhiều khả năng bị SBI hơn (28,8% so với 16,3%; p<0,001), đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu (25,8% so với 14,5%; p<0,001).
Theo đó, tỷ lệ trẻ nhập viện muộn cần điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch cao hơn đáng kể so với nhóm còn lại (64,1% so với 51,9%; p=0,001), nhưng thời gian nằm viện giữa hai nhóm là tương đương nhau (trung vị 3-4 ngày và 2-4 ngày, theo thứ tự tương ứng).
Các nhà nghiên cứu lưu ý: "Việc xác định sớm cho phép khởi trị kháng sinh kịp thời, giúp giảm tỷ lệ tử vong và rút ngắn thời gian nằm viện."
Sau khi hiệu chỉnh theo tuổi, giới tính và điểm số thang đo độ nặng của bệnh (SIS - severity index score), việc nhập viện muộn tương quan độc lập với SBI (tỷ số chênh đã điều chỉnh [AOR] 1,78, khoảng tin cậy [CI] 95%: 1,26–2,52; p<0,001).
Đặc biệt, giới tính nam (AOR 2,47, CI 95%: 1,89–3,23) và điểm SIS thấp (AOR 0,66, CI 95%: 0,57–0,77) có liên quan với SBI (p <0,001 cho cả hai).
Các nhà nghiên cứu lưu ý: "Kết quả của chúng tôi cho thấy trẻ sơ sinh bị sốt có nguy cơ bị SBI, với tần suất được ghi nhận là 9-25%. Chúng tôi chọn tập trung vào nhóm trẻ sơ sinh ≤90 ngày tuổi. Đây là nhóm có nguy cơ cao bị SBI do hệ miễn dịch chưa trưởng thành, cần được theo dõi chặt chẽ, ưu tiên thăm khám và điều trị sớm.”
"Mặc dù sự tương quan cụ thể giữa việc nhập cấp cứu muộn và nguy cơ SBI chưa được đánh giá, một số nghiên cứu khác đã ghi nhận mối quan hệ giữa thời gian sốt và SBI ở trẻ bị sốt".
"Do đó, các bác sĩ lâm sàng nên tính đến nguy cơ này khi đánh giá trẻ sơ sinh bị sốt. Nghiên cứu thêm trong tương lai là cần thiết để đánh giá mối tương quan giữa việc nhập viện muộn và các loại SBI cụ thể.”