
Một nghiên cứu được trình bày tại ADA 2024 cho thấy việc bổ sung pioglitazone ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) típ 1 đang điều trị bằng thuốc ức chế SGLT2, như dapagliflozin, giúp tăng cường hiệu quả giảm HbA1c và ngăn tình trạng tăng ceton máu do thuốc ức chế SGLT2. Kết quả này tạo tiền đề để các nghiên cứu dài hạn về kết cục trên tim mạch và thận ở bệnh nhân ĐTĐ típ 1 được tiến hành một cách an toàn.
Tác giả chính của nghiên cứu, TS. Muhammad Abdul-Ghani (Khoa Đái tháo đường, Đại học Texas, San Antonio, Hoa Kỳ) cho biết: "Thuốc ức chế SGLT2 có hiệu quả trong việc hạ đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2. Chúng cũng mang lại lợi ích tuyệt vời trên tim mạch - thận, và hiệu quả trong việc hạ đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ típ 1 nhờ cơ chế tác dụng độc đáo”.
Ông nói thêm, “nhưng không may, một tác dụng phụ mới xuất hiện ở bệnh nhân ĐTĐ típ 1 là tăng nguy cơ nhiễm toan ceton… Vì tăng tỷ lệ bệnh đồng mắc và tử vong liên quan đến nhiễm toan ceton, các cơ quan y tế không chấp thuận sử dụng thuốc ức chế SGLT2 cho bệnh nhân ĐTĐ típ 1”.
BS. Abdul-Ghani cùng cộng sự đã nghiên cứu cơ chế gây tăng ceton của thuốc ức chế SGLT2, kết quả cho thấy sự gia tăng này "bắt đầu ngay sau khi sử dụng các thuốc ức chế SGLT2", chẳng hạn như dapagliflozin.
BS. Abdul-Ghani cho biết: "Nếu có thể ngăn sự gia tăng nồng độ acid béo tự do trong máu, chúng ta có thể ngăn việc tăng ceton." [Diabetes Care 2023;46:978-984]
Nghiên cứu này có giai đoạn chuẩn bị kéo dài 4 tuần, sau đó 60 bệnh nhân ĐTĐ típ 1 (trung bình 42,3 tuổi, nữ giới chiếm 30%, BMI 26,8 kg/m2, HbA1c 8,5%, eGFR 114 ml/phút, liều insulin 63 đơn vị [U]) được điều trị với 10 mg dapagliflozin trong 12 tuần. Vào tuần thứ 16, nhóm nghiên cứu của Abdul-Ghani phân ngẫu nhiên những bệnh nhân này để dùng 45 mg pioglitazone hoặc giả dược trong 16 tuần tiếp theo.
Ở tuần thứ 16, so với ban đầu, điều trị bằng dapagliflozin giúp giảm HbA1c 0,63% ở nhóm dùng pioglitazone và 0,56% ở nhóm dùng giả dược (p<0,001 cho cả hai nhóm). Ở tuần thứ 32, mức giảm HbA1c so với ban đầu là 0,86% ở nhóm dùng pioglitazone và 0,44% ở nhóm dùng giả dược. [Diabetes 2024;73(Suppl 1):138-OR]
Theo đó, mức HbA1c ở nhóm dùng pioglitazone thấp hơn 0,42% so với nhóm dùng giả dược (p<0,05).
Ceton
Mặt khác, so với ban đầu, nồng độ ceton máu ở tuần thứ 16 tăng 0,12 mM ở nhóm dùng pioglitazone và 0,14 mM ở nhóm dùng giả dược (p<0,05 cho cả hai nhóm). Ở tuần thứ 32, nồng độ ceton máu vẫn tăng cao hơn so với ban đầu ở nhóm dùng giả dược (0,15 mM; p<0,05) nhưng giảm ở nhóm dùng pioglitazone (-0,06 mM; p<0,05).
Sự khác biệt về nồng độ ceton máu giữa bệnh nhân được điều trị bằng pioglitazone và nhóm dùng giả dược ở tuần thứ 32 là -0,19 mM (p<0,001).
Theo BS. Abdul-Ghani: "Pioglitazone giúp giảm thêm HbA1c ở bệnh nhân [ĐTĐ típ 1] đang dùng thuốc ức chế SGLT2, trong khi ngăn ngừa tăng nồng độ ceton máu."
Ông nói thêm: "Nồng độ ceton máu 1 mM là ngưỡng thích hợp để sử dụng liệu pháp giảm ceton".