Suy tim làm tăng mười lần nguy cơ mắc bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2

09 Jul 2024
Suy tim làm tăng mười lần nguy cơ mắc bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Theo một nghiên cứu tại Singapore, suy tim có liên quan chặt chẽ đến suy giảm chức năng thận ở bệnh nhân mắc đái tháo đường (ĐTĐ) típ 2. Nguy cơ mắc bệnh thận giai đoạn cuối (ESKD) tăng gấp mười lần sau biến cố suy tim ở các đối tượng này.

Trong một nghiên cứu đoàn hệ gồm 1.985 bệnh nhân ĐTĐ típ 2 ngoại trú, nguy cơ tiến triển thành ESKD cao gấp 9,6 lần ở bệnh nhân có kèm suy tim so với bệnh nhân không bị suy tim (tỷ số nguy cơ [HR] 9,6; khoảng tin cậy [CI] 95%: 5,0–18,3), bất kể yếu tố nguy cơ tim mạch - thận, như eGFR và albumin niệu. [Cardiovasc Diabetol 2024;23:204]

Đáng chú ý, nguy cơ này rõ rệt hơn ở những bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu bảo tồn (HR 13,7; CI 95%: 6,3–29,5) so với bệnh nhân giảm phân suất tống máu (HR 6,5; CI 95%: 2,3–18,6).

Nguy cơ ESKD tăng ngay sau biến cố suy tim, duy trì ở mức cao trong 2 năm và được kiểm soát sau đó.

Các nhà nghiên cứu lưu ý: "Có ít nhất hai cơ chế giải thích cho sự liên hệ giữa biến cố suy tim và nguy cơ tiến triển thành ESKD sau này."

Thứ nhất, áp lực tĩnh mạch trung tâm tăng do suy tim có thể dẫn đến tăng huyết áp tĩnh mạch thận, tăng sức cản mạch thận, và giảm lưu lượng máu trong thận, cuối cùng gây ra suy giảm chức năng lọc như đã được ghi nhận trong các nghiên cứu trước đây. Thứ hai, suy tim có thể kích hoạt hệ thần kinh giao cảm và hệ renin-angiotensin-aldosterone, góp phần tăng thêm rối loạn chức năng thận, cũng như thúc đẩy viêm và tổn thương. [Circulation 2019;139:e840; Heart Fail Rev 2012;17:411-420]

Các nhà nghiên cứu cho biết, những phát hiện này, cùng với bằng chứng từ các y văn, đã " ủng hộ mạnh mẽ quan điểm biến cố suy tim là một yếu tố khởi phát quan trọng thúc đẩy tiến triển bệnh thận ở bệnh nhân ĐTĐ."

Thêm vào đó: "Các bác sĩ lâm sàng cần lưu ý đến nguy cơ cao tiến triển thành ESKD ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 đã có biến cố suy tim, theo dõi chặt chẽ chức năng thận và giảm tiếp xúc với các chất gây độc thận, đặc biệt là trong 2 năm đầu sau khi suy tim khởi phát."

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy tim, vì đây là một biến chứng thường bị bỏ sót ở bệnh nhân ĐTĐ. [Diabetes Care 2022;45:1670-1690; Circulation 2018;138:2774-2786]

Trong trung vị thời gian theo dõi 8,6 năm của nghiên cứu, đã có 180 biến cố suy tim và 181 biến cố ESKD xảy ra. ESKD được xác định khi eGFR duy trì ở mức dưới 15 ml/phút/1,73m2, cần duy trì lọc máu hoặc tử vong do thận, bất kể tình trạng nào xảy ra trước. Trong số các biến cố ESKD, 38 (21%) biến cố xảy ra sau biến cố suy tim.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Người châu Á có nguy cơ mắc ESKD cao hơn so với người châu Âu. Các nghiên cứu khác trong tương lai là cần thiết để đánh giá xem liệu những phát hiện từ người châu Á mắc ĐTĐ có thể khái quát cho các chủng tộc khác hay không".