Hội chứng mạch vành cấp không ST chênh lên kéo dài Đánh giá ban đầu

Cập nhật: 06 June 2025

Nội dung của trang này:

Nội dung của trang này:

Biểu hiện lâm sàng

Khó chịu vùng ngực dạng thiếu máu cục bộ hoặc tương đương đau thắt ngực

Đau ngực sau xương ức là tình trạng đau thường được mô tả như là nặng ngực, chèn ép, bóp chặt, co thắt hoặc nóng rát. Cơn đau có thể xảy ra lúc nghỉ ngơi hoặc trong khi hoạt động, có thể liên quan đến gắng sức hoặc căng thẳng về mặt cảm xúc. Cơn đau thường ở vùng trung tâm hoặc ở ngực trái, có thể lan ra hàm, cánh tay trái hoặc cả hai cánh tay, lưng hoặc vai. Các triệu chứng kèm theo của khó chịu vùng ngực dạng thiếu máu cục bộ có thể bao gồm buồn nôn và nôn, khó thở, đổ mồ hôi, choáng váng, đau bụng (vùng thượng vị), chóng mặt, mệt mỏi, yếu và mất ý thức.

Các triệu chứng tương đương đau thắt ngực bao gồm tình trạng đau phát triển ở cánh tay, vai, cổ tay, hàm hoặc lưng mà không xảy ra ở vùng ngực. Khó chịu này biểu hiện riêng lẻ dưới dạng đau hàm, cổ, tai, cánh tay hoặc vùng thượng vị và liên quan đến gắng sức hoặc căng thẳng hoặc được giảm nhanh sau khi dùng glyceryl trinitrate (GTN) nên được xem là tương đương đau thắt ngực.

Đau trong khó chịu vùng ngực dạng thiếu máu cục bộ thường không thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng GTN. Các yếu tố nguy cơ đã được xác định bao gồm hút thuốc, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường và tiền sử bệnh động mạch vành (CAD).

Vui lòng xem phần thảo luận về Đánh giá phân tầng nguy cơ.

Acute Coronary Syndromes w.out Persistent ST-Segment Elevation_Intial AssesmentAcute Coronary Syndromes w.out Persistent ST-Segment Elevation_Intial Assesment


Bệnh nhân bị ACS có thể biểu hiện nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, từ không có triệu chứng đến những trường hợp khó chịu vùng ngực kéo dài (như đau, chèn ép, bóp chặt, nặng ngực, nóng rát). Bệnh nhân cũng có thể bị ngừng tim, không ổn định về điện tim hoặc huyết động học hoặc sốc tim. Những bệnh nhân lớn tuổi thường xuyên có biểu hiện không đặc trưng với triệu chứng yếu người, lú lẫn, mê sảng hoặc ngất. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng đau ngực dạng thiếu máu cục bộ như đã mô tả ở trên, ngoại trừ các cơn đau có thể nghiêm trọng và kéo dài hơn, và có thể xảy ra khi nghỉ ngơi hoặc có thể xảy ra khi ít gắng sức hơn các cơn trước đó. Các triệu chứng tương đương đau thắt ngực thường được quan sát thấy ở những bệnh nhân trẻ tuổi (25 đến 40 tuổi) và lớn tuổi (>75 tuổi), ở phụ nữ và ở những bệnh nhân bị đái tháo đường (DM), suy thận mạn hoặc sa sút trí tuệ. Các triệu chứng tương đương đau thắt ngực bao gồm đau chủ yếu xảy ra khi nghỉ ngơi, đau thượng vị, chứng khó tiêu mới khởi phát không rõ nguyên nhân, ợ hơi, đau ngực như dao đâm, đau ngực có một số đặc điểm giống viêm màng phổi hoặc khó thở tăng dần.

Các đặc điểm chung của đau thắt ngực không ổn định bao gồm:
  • Đau thắt ngực khi nghỉ ngơi: Đau thắt ngực xảy ra lúc nghỉ ngơi và kéo dài, thường >20 phút
  • Đau thắt ngực nặng mới khởi phát: Bệnh nhân thường bị hạn chế đáng kể khi hoạt động thể chất thông thường (đau thắt ngực xảy ra khi đi bộ 1 đến 2 dãy nhà cùng tầng hoặc leo một tầng cầu thang trong điều kiện bình thường và với tốc độ vừa)
  • Đau thắt ngực tăng lên hoặc tăng dần: Đau thắt ngực liên quan đến gắng sức đã được chẩn đoán trước đó trở nên thường xuyên hơn, trong khoảng thời gian dài hơn hoặc dễ bị kích thích hơn (xảy ra khi ít gắng sức hơn trước)
  • Đau thắt ngực sau MI

Khám thực thể

Mục tiêu chính của việc khám thực thể ở những bệnh nhân nghi ngờ mắc hội chứng mạch vành cấp là xác định nguyên nhân khởi phát (như tăng huyết áp không kiểm soát, nhiễm độc giáp, xuất huyết tiêu hóa) và các bệnh đi kèm (như bệnh phổi hoặc ung thư), xác định các đặc điểm của ACS có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, đánh giá ảnh hưởng huyết động của biến cố thiếu máu cục bộ, loại trừ các nguyên nhân gây đau ngực không phải do tim (như tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, khó chịu thực quản, sỏi mật, viêm tụy hoặc nguồn gốc cơ xương) và đánh giá các rối loạn tim không do thiếu máu cục bộ (như viêm màng ngoài tim, bệnh van tim, bóc tách động mạch chủ, viêm màng ngoài tim cấp, chèn ép tim).

Đo các dấu hiệu sinh tồn (như huyết áp ở cả hai cánh tay, nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ). Khám toàn diện hệ tim mạch và vùng ngực được thực hiện bao gồm nghe tim, tĩnh mạch cổ, gan và mạch ngoại vi để tìm âm thổi, âm phụt hoặc dấu mất mạch gợi ý bệnh động mạch vành nghiêm trọng tiềm ẩn. Rối loạn chức năng thất trái và sốc nên được nghi ngờ nếu bệnh nhân bị lạnh chân tay, hạ huyết áp, ran phổi, tiếng ngựa phi T3, mỏm tim lệch hoặc T1 < T2 ở mỏm tim. Bóc tách động mạch chủ có thể xảy ra nếu đau vùng lưng, mạch không đều hoặc có âm thổi trào ngược động mạch chủ. Trong khi có thể nghi ngờ viêm màng ngoài tim cấp tính nếu có sự hiện diện của tiếng cọ màng ngoài tim. Chèn ép tim có thể làm xuất hiện tình trạng mạch nghịch thường.

Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi có thể bị khó thở cấp, đau ngực kiểu màng phổi và tiếng thở khác thường. Sau cùng, đau ngực do hội chứng thành ngực nguyên nhân cơ xương có thể được phát hiện khi sờ nắn thành ngực.

Chẩn đoán và Tiêu chuẩn chẩn đoán

Chẩn đoán và phân tầng nguy cơ ngắn hạn ban đầu của hội chứng mạch vành cấp nên dựa trên tiền sử lâm sàng, triệu chứng, dấu hiệu sinh tồn và các dấu hiệu thực thể khác, kết quả điện âm đồ (ECG) và nồng độ troponin tim độ nhạy cao (hs-cTn). Điều quan trọng là bệnh nhân nghi ngờ ACS phải được đánh giá một cách nhanh chóng.