Nội dung của trang này:
Nội dung của trang này:
Điều trị bằng thuốc
Khi bắt đầu điều trị bằng thuốc, điều quan trọng là phải giải thích cho cả bệnh nhân và gia đình rằng thuốc sẽ không chữa khỏi sa sút trí tuệ và có thể không hiệu quả với tất cả bệnh nhân. Điều trị triệu chứng, ngay cả khi các triệu chứng cải thiện, sẽ ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và sự suy giảm nhận thức sẽ tiếp tục ngay cả khi điều trị. Điều quan trọng cần lưu ý là theo dõi đáp ứng với thuốc để đánh giá hiệu quả của thuốc trên nhận thức, hành vi và chức năng. Nếu cần thiết, nên điều chỉnh liều và thay đổi thuốc. Cuối cùng, mức độ nặng của bệnh nên được đánh giá trước khi bắt đầu dùng thuốc.
Liệu pháp dùng thuốc điều trị các triệu chứng nhận thức
Thuốc ức chế cholinesterase
Nhóm thuốc này nên được xem xét cho bệnh nhân Alzheimer ở tất cả các giai đoạn. Tất cả đều ức chế enzyme cholinesterase ở khe synap, do đó tăng cường chức năng cholinergic trung ương. Donepezil ức chế acetylcholinesterase, galantamine ức chế acetylcholinesterase đồng thời điều hòa dị lập thể các thụ thể nicotinic, và rivastigmine ức chế cả acetylcholinesterase và butyrylcholinesterase. Thuốc ức chế cholinesterase cải thiện nhận thức, hành vi và chức năng trong bệnh Alzheimer. Những thuốc này cũng có thể dùng cho bệnh nhân sa sút trí tuệ thể Lewy. Donepezil và galantamine đều cho thấy hiệu quả vừa phải trong điều trị suy giảm nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ do bệnh lý mạch máu hoặc sa sút trí tuệ hỗn hợp. Tuy nhiên, các thuốc này nên được sử dụng một cách thận trọng. Thuốc ức chế cholinesterase thường được dung nạp tốt nhưng tác dụng không mong muốn thường gặp là rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Những thuốc này không được khuyến cáo để điều trị sa sút trí tuệ thùy trán-thái dương và suy giảm nhận thức mức độ nhẹ.
Donepezil
Thuốc này cho thấy hiệu quả đáng kể trong chức năng nhận thức khi đánh giá theo phân nhóm nhận thức của thang đánh giá bệnh Alzheimer. Các nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả của donepezil trong việc giảm một số vấn đề về hành vi và triệu chứng loạn thần ở bệnh nhân sa sút trí tuệ mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc được chỉ định trong điều trị bệnh Alzheimer mức độ nhẹ đến trung bình và đã được phê duyệt để điều trị các dạng bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thể Lewy mức độ nặng hơn.
Galantamine
Galantamine đã được chứng minh là cải thiện khả năng hoạt động và cũng có thể mang lại hiệu quả đáng kể đối với hành vi ở bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer. Thuốc được sử dụng ở những bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ thể Lewy mức độ nhẹ đến trung bình không dung nạp donepezil và rivastigmine. Liều cao có hiệu quả hơn liều thấp, nhưng liều >24 mg/ngày không mang lại thêm lợi ích nào. Tăng liều galantamine chậm giúp cải thiện khả năng dung nạp. Điều quan trọng cần lưu ý là có bằng chứng về một số lợi ích đối với nhận thức ở bệnh nhân mắc Alzheimer và bệnh lý mạch máu não hỗn hợp.
Rivastigmine
Thuốc này cho thấy hiệu quả đáng kể đối với chức năng nhận thức và chức năng toàn thể ở bệnh nhân Alzheimer mức độ nhẹ đến trung bình. Kết quả phân tích gộp cho thấy rivastigmine có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân Alzheimer có triệu chứng tiến triển nhanh so với những bệnh nhân có triệu chứng tiến triển chậm. Thuốc cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát sự suy giảm nhận thức ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ thể Lewy. Ngoài ra, chế phẩm miếng dán thẩm thấu qua da đã được chứng minh có ưu điểm ít gây ra tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa, tác dụng của thuốc trong 24 giờ tốt hơn và dễ sử dụng. Miếng dán thẩm thấu qua da đã được phê duyệt để điều trị ở tất cả các giai đoạn của bệnh Alzheimer. Rivastigmine cũng được sử dụng ở bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ mức độ nhẹ đến trung bình liên quan đến bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ thể Lewy mức độ nặng.
“Vui lòng xem bài Quản lý Bệnh Parkinson & Sa sút trí tuệ do Parkinson để biết thêm thông tin.”
Aducanumab và lecanumab
Đây là các kháng thể nhắm đến các mảng amyloid β để điều trị bệnh Alzheimer được xác định có mảng amyloid. Các nghiên cứu cho thấy sự giảm đáng kể các mảng amyloid β phụ thuộc vào liều và thời gian điều trị so với giả dược. Thuốc được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận theo quy trình phê duyệt nhanh để bắt đầu điều trị cho những bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhẹ hoặc giai đoạn sa sút trí tuệ nhẹ của bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu về tính an toàn hoặc hiệu quả khi bắt đầu điều trị ở giai đoạn sớm hoặc muộn của bệnh.
Memantine
Memantine là thuốc đối kháng thụ thể NMDA không cạnh tranh được dùng ở bệnh nhân Alzheimer mức độ trung bình đến nặng. Thuốc này có thể dùng cho bệnh nhân Alzheimer mức độ nhẹ đến trung bình dưới dạng đơn trị liệu nếu thuốc ức chế cholinesterase bị chống chỉ định, không dung nạp hoặc trong trường hợp bệnh tiến triển mặc dù đã thử tất cả các thuốc ức chế cholinesterase. Dữ liệu hiện có cho thấy kết hợp memantine với thuốc ức chế cholinesterase làm tăng khả năng trì hoãn sự tiến triển của triệu chứng so với chỉ dùng thuốc ức chế cholinesterase trong các trường hợp đã xác nhận bệnh Alzheimer mức độ trung bình đến nặng. Các nghiên cứu cho thấy rằng memantine cải thiện về nhận thức ở mọi giai đoạn của bệnh Alzheimer, nhưng hiệu quả của thuốc đối với hành vi, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và kết quả chung là đáng kể hơn đối với bệnh Alzheimer mức độ trung bình đến nặng.
Các thuốc khác được sử dụng để điều trị các triệu chứng nhận thức
Cerebrolysin
Cerebrolysin là thuốc tăng cường chức năng não, bao gồm 25% peptide trọng lượng phân tử thấp và acid amin tự do được sản xuất bằng quá trình phân hủy các protein não lợn tinh khiết, dùng enzym được chuẩn hóa về mặt công nghệ sinh học. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế phẩm cerebrolysin dung nạp tốt. Đây là thuốc bổ sung hữu ích vào các lựa chọn điều trị hiện tại cho bệnh nhân sa sút trí tuệ dựa trên dữ liệu lâm sàng hiện có.
Ginkgo biloba (EGb 761)
Đây là sản phẩm có nguồn gốc thực vật từ cây bạch quả, đã được thử nghiệm lâm sàng ủng hộ hiệu quả điều trị trong bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ do bệnh lý mạch máu. Các cơ chế tác động tiềm năng bao gồm kháng tiểu cầu, tác dụng vận mạch, tăng khả năng chịu đựng của tế bào thần kinh đối với tình trạng thiếu oxy và ngăn ngừa tổn thương màng tế bào do các gốc tự do. Phần lớn các nghiên cứu đều xác nhận Ginkgo biloba an toàn và ít tác dụng không mong muốn.
Selegiline
Selegiline là thuốc ức chế chọn lọc monoamine oxidase-B (MAO-B), được cho là có tác dụng như một chất chống oxy hóa hoặc bảo vệ thần kinh ở bệnh nhân Alzheimer. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng về hiệu quả của thuốc trong điều trị bệnh Alzheimer.
Vitamin E
Vitamin E thường không được khuyến cáo để điều trị các triệu chứng nhận thức của sa sút trí tuệ do bằng chứng về hiệu quả còn hạn chế và những lo ngại về tính an toàn. Sau khi cân nhắc lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn của vitamin E, một số bác sĩ có thể chọn dùng liều ≤400 IU/ngày. Đã có nghiên cứu chứng minh rằng liều >400 IU/ngày dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong đáng kể về mặt thống kê. Có những lo ngại mới về tính an toàn của thuốc bao gồm tỷ lệ tử vong phụ thuộc liều và tăng tỷ lệ suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường và bệnh lý tim mạch. Thuốc cũng có liên quan đến việc làm nặng thêm các rối loạn đông máu ở những bệnh nhân thiếu vitamin K.
Liệu pháp dùng thuốc điều trị các triệu chứng tâm thần kinh
Điều trị loạn thần và kích động
Những thuốc này được chỉ định khi các liệu pháp không dùng thuốc (như xác định và điều trị nguyên nhân, liệu pháp tâm lý, giáo dục và hợp tác giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bệnh nhân và gia đình, v.v.) thất bại hoặc khi hành vi cần được chú ý khẩn cấp, chẳng hạn như trong trường hợp gây hấn nguy hiểm. Mục đích của việc điều trị là giảm thiểu các triệu chứng loạn thần (như hoang tưởng, ảo giác, v.v.) và các triệu chứng liên quan hoặc các triệu chứng độc lập (như la hét, bạo lực). Điều này sẽ giúp tăng sự thoải mái và an toàn cho bệnh nhân và gia đình. Liệu pháp can thiệp được sử dụng phải được định hướng theo mức độ kích động mà bệnh nhân biểu hiện và nguy cơ đối với người chăm sóc và bản thân bệnh nhân. Cần lưu ý rằng hành vi bạo lực thường cần được điều trị bằng liệu pháp dùng thuốc. Nguyên nhân gây kích động cần được đánh giá thêm. Nếu tình trạng kích động tiếp tục lặp lại, các biện pháp tâm lý xã hội nên được chỉ định như liệu pháp đầu tay. Sau đó, liệu pháp dùng thuốc được chỉ định nếu các biện pháp tâm lý xã hội không thành công hoặc nếu kích động được cho là nguy hiểm cho bệnh nhân hoặc người chăm sóc.
Thuốc điều trị sa sút trí tuệ
Donepezil có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng âm tính như hành vi vận động bất thường, thờ ơ, lo lắng và trầm cảm. Trong khi memantine được sử dụng để điều trị các triệu chứng dương tính như kích động, gây hấn, cáu kỉnh, ảo giác và ảo tưởng. Cuối cùng, rivastigmine có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng về hành vi và tâm lý của sa sút trí tuệ thể Lewy.
Thuốc chống loạn thần
Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc chống loạn thần, điều quan trọng là phải tiến hành đánh giá, tìm hiểu các nguyên nhân có thể gây loạn thần, đánh giá và giải quyết các nguyên nhân lâm sàng hoặc do môi trường (như mê sảng, bị bỏ rơi, đau) gây nên loạn thần. Những thuốc này là phương pháp điều trị ban đầu đối với các triệu chứng loạn thần ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ có nguy cơ gây tổn hại cho bản thân và người khác, và ở bệnh nhân rối loạn tâm thần nặng có biểu hiện kích động, ảo tưởng hoặc ảo giác. Liều lượng và nhu cầu dùng thuốc phải được đánh giá liên tục, đồng thời phải xem xét nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất cần thiết. Khi có tác dụng không mong muốn, trước tiên nên giảm liều. Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ khuyến cáo giảm liều trong vòng 16 tuần kể từ khi bắt đầu. Điều quan trọng cần nhớ là việc điều trị loạn thần liên quan đến sa sút trí tuệ bằng thuốc chống loạn thần ở bệnh nhân cao tuổi có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến cố mạch máu não và biến cố tim mạch bao gồm tử vong. Đánh giá lại ít nhất 6 tuần một lần. Thuốc chống loạn thần cũng được cân nhắc trong trường hợp có các triệu chứng tâm lý và hành vi nghiêm trọng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, các loại thuốc này không được khuyến cáo thường quy ở bệnh nhân sa sút trí tuệ có hành vi gấy hấn và loạn thần. Thuốc chống loạn thần không điển hình có thể được dung nạp tốt hơn. Việc lựa chọn thuốc sẽ dựa trên hồ sơ tác dụng không mong muốn phù hợp nhất với bệnh nhân. Thuốc chống loạn thần thường được dùng vào buổi tối để giúp dễ ngủ và điều trị hội chứng “mặt trời lặn”. Đường uống được ưu tiên hơn. Các thuốc điều trị bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ do bệnh lý mạch máu não (như memantine, thuốc ức chế cholinesterase) trước tiên phải được tối ưu hóa và sử dụng với liều lượng thích hợp để kiểm soát hành vi tốt. Thuốc brexpiprazole đã được FDA Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer có biểu hiện các triệu chứng kích động.
Benzodiazepine
Nhóm thuốc này dùng để điều trị triệu chứng kích động, trong đó lo âu là đặc điểm nổi bật. Thuốc hiệu quả khi dùng như liều khởi đầu cho tình trạng kích động không thường xuyên hoặc trường hợp cần dùng thuốc an thần (như các thủ thuật nha khoa). Những thuốc này thường không được sử dụng trong điều trị sa sút trí tuệ trừ khi trong trường hợp cần thiết. Sử dụng các thuốc benzodiazepine gây nguy cơ mất ức chế, an thần quá mức, té ngã và mê sảng. Ưu tiên các thuốc tác dụng ngắn và không qua chuyển hóa. Khi bắt đầu dùng thuốc nhóm benzodiazepine, nên bắt đầu với liều thấp. Tăng liều một cách thận trọng. Người cao tuổi nhạy cảm hơn với tác dụng không mong muốn của thuốc benzodiazepine.
Điều trị trầm cảm và thờ ơ
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) có thể được sử dụng để điều trị trầm cảm. Trong số ba nhóm thuốc trên, SSRI là thuốc được ưu tiên. Trong một số trường hợp, sự suy giảm nhận thức có thể được cải thiện một phần khi điều trị trầm cảm. Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào tương tác thuốc, tác dụng không mong muốn và tác dụng mong muốn. Ví dụ, TCA có tác dụng đáng kể trên tim mạch và đặc tính kháng cholinergic. Mặt khác, SSRI có ít tác dụng không mong muốn hơn. Hạn chế trong chế độ ăn uống (như thực phẩm có chứa nhiều tyramine), tương tác thuốc và tác dụng không mong muốn có xu hướng làm giảm hiệu quả của MAOI. Cũng giống như thuốc benzodiazepine, hãy bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm với liều lượng thấp; tăng liều một cách thận trọng. Người cao tuổi cũng nhạy cảm hơn với tác dụng không mong muốn của thuốc chống trầm cảm. Những thuốc này không có hiệu quả đối với các triệu chứng về hành vi và tâm lý ở bệnh nhân sa sút trí tuệ thùy trán-thái dương.

Liệu pháp không dùng thuốc: Các liệu pháp hỗ trợ
Trong việc quản lý sa sút trí tuệ, can thiệp tâm lý xã hội được điều chỉnh theo nhu cầu của từng cá nhân với mục tiêu duy trì chức năng nhận thức và có thể thực hiện các hoạt động thúc đẩy tính độc lập. Trong đó bao gồm các biện pháp hỗ trợ và liệu pháp tâm lý.
Giáo dục bệnh nhân, người chăm sóc và nhân viên y tế
Cần phải thiết lập mối quan hệ tốt giữa bác sĩ lâm sàng, bệnh nhân và gia đình. Các dịch vụ hỗ trợ và giáo dục chuyên sâu dài hạn cho người chăm sóc có thể trì hoãn thời điểm đưa bệnh nhân vào viện dưỡng lão. Điều quan trọng là giáo dục cả bệnh nhân và người chăm sóc về bệnh và các phương pháp điều trị hiện có. Các bác sĩ phải giải quyết những lo ngại về các triệu chứng hành vi có thể liên quan đến việc mất địa vị xã hội, lòng tự trọng và nhu cầu cần thêm sự hỗ trợ từ người chăm sóc. Hãy trấn an cả hai rằng đây là một phần của bệnh, do tổn thương trực tiếp lên não và thường có thể kiểm soát được bằng điều trị. Cần nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc điều trị liên tục sa sút trí tuệ và theo dõi định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh. Giáo dục bệnh nhân, gia đình và những người chăm sóc khác nhận biết các triệu chứng và dự liệu các biểu hiện trong tương lai là điều quan trọng. Có thể hữu ích nếu giáo dục người chăm sóc về các nguyên tắc chăm sóc cơ bản. Giáo dục nhân viên viện dưỡng lão có thể giúp giảm việc sử dụng các biện pháp kiềm chế về thể chất và sử dụng thuốc chống loạn thần không cần thiết.
Lưu ý những điều sau:
- Đưa ra các yêu cầu tương đối đơn giản; tránh giao cho bệnh nhân những nhiệm vụ phức tạp có thể dẫn đến sự ức chế
- Tránh đối đầu và trì hoãn yêu cầu nếu bệnh nhân tức giận
- Hãy nhất quán và tránh những thay đổi không cần thiết
- Nhắc nhở thường xuyên, giải thích và đưa ra những định hướng
- Nhận biết sự suy giảm năng lực và điều chỉnh kỳ vọng
- Nên tìm đến chuyên gia khi chức năng bị suy giảm đột ngột hoặc khi xuất hiện các triệu chứng mới
Hỗ trợ người chăm sóc
Điều quan trọng là phải hỗ trợ hoặc giúp đỡ người chăm sóc để giảm nguy cơ chăm sóc không đạt tiêu chuẩn, bỏ rơi hoặc ngược đãi. Để làm được điều này, có thể giới thiệu người chăm sóc đến các mạng lưới nhóm hỗ trợ hoặc các hội thảo giáo dục tâm lý hiện có. Dịch vụ chăm sóc thay thế (như điều dưỡng tại nhà, chương trình chăm sóc ban ngày, thời gian lưu trú ngắn hạn tại viện dưỡng lão, v.v.), nếu có, nên được sử dụng để giúp người chăm sóc có thời gian nghỉ ngơi. Hơn nữa, điều này cho phép người chăm sóc tiếp tục làm việc hoặc hoàn thành các nhiệm vụ khác, giúp họ giảm bớt căng thẳng và rối loạn tâm trạng liên quan đến việc chăm sóc dài hạn.
Các vấn đề tài chính và pháp lý
Bệnh nhân sa sút trí tuệ thường mất khả năng đưa ra các quyết định về y tế, pháp lý và tài chính khi rối loạn tiến triển. Người chăm sóc có thể nhờ bệnh nhân hướng dẫn về các kế hoạch dài hạn khi bệnh nhân vẫn có thể tham gia. Bệnh nhân có thể muốn ủy quyền quyết định về mặt pháp lý và tài chính cho một thành viên gia đình hoặc bạn bè đáng tin cậy. Việc này sẽ giúp tránh được những khó khăn và tốn kém khi nộp đơn lên tòa án xin quyền giám hộ hoặc bảo trợ sau này. Thảo luận liên quan đến lựa chọn điều trị y tế (như đưa vào viện dưỡng lão, hỗ trợ sự sống nhân tạo, v.v.) có thể được thực hiện trong giai đoạn đầu của bệnh để bệnh nhân có thể bày tỏ mong muốn của mình. Điều quan trọng là phải giáo dục bệnh nhân và người chăm sóc về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch tài chính cho việc điều trị và chăm sóc trong tương lai. Cuối cùng, khuyên bệnh nhân hoàn thành hoặc cập nhật di chúc của họ, thiết lập quỹ ủy thác và chuyển giao tài sản phù hợp trong giai đoạn đầu của bệnh khi tinh thần bệnh nhân còn ổn định và còn khả năng đưa ra quyết định.
Trị liệu không dùng thuốc: Tâm lý trị liệu hoặc Huấn luyện chức năng
Tâm lý trị liệu có thể hữu ích cho một số bệnh nhân sa sút trí tuệ. Mục đích là nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và tối đa hóa chức năng khi xem xét các khiếm khuyết hiện có, đồng thời thúc đẩy nhận thức, tính độc lập và sức khỏe. Việc lựa chọn liệu pháp điều trị nên dựa trên đặc điểm, sở thích của bệnh nhân, tính khả thi và chi phí. Việc điều trị phải được điều chỉnh phù hợp với khả năng nhận thức và khả năng dung nạp của từng bệnh nhân vì đã có báo cáo về những tác dụng không mong muốn về mặt cảm xúc. Các liệu pháp điều trị phải được thực hiện thường xuyên vì hầu hết không có tác dụng kéo dài.
Liệu pháp hành vi
Liệu pháp hành vi dựa trên các nguyên tắc của lý thuyết điều kiện hóa và học tập. Mục tiêu nhằm loại bỏ hoặc ngăn chặn các triệu chứng hành vi và tâm lý. Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp hành vi trong sa sút trí tuệ mới chỉ được chứng minh trong một vài nghiên cứu.
Liệu pháp nhận thức-hành vi
Liệu pháp nhận thức-hành vi đã được chứng minh trong một thử nghiệm lâm sàng cho thấy mang lại hiệu quả trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer. Liệu pháp này nhằm mục đích giải quyết các khuyết tật do tác động của suy giảm nhận thức đối với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Liệu pháp nhận thức-hành vi tập trung vào việc cải thiện hoặc duy trì các chức năng của cuộc sống hàng ngày, nâng cao sức mạnh, bù đắp các khuyết tật và thúc đẩy tính độc lập. Sự kích thích nhận thức cho phép bệnh nhân tham gia vào nhiều hoạt động và thảo luận. Cuối cùng, giáo dục nhận thức được điều chỉnh phù hợp với mức độ hoạt động của từng bệnh nhân để phản ánh các chức năng nhận thức cụ thể.
Huấn luyện chức năng
Việc này tập trung vào việc tối ưu hóa chức năng và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Huấn luyện chức năng bao gồm các hoạt động như đào tạo kỹ năng hoặc lập kế hoạch hoạt động, tập thể dục, công nghệ hỗ trợ và các chương trình phục hồi chức năng (như trị liệu nghề nghiệp, vật lý trị liệu) nhằm thúc đẩy tính độc lập.

Liệu pháp tương tác cá nhân
Liệu pháp này tập trung vào bất đồng giữa các cá nhân, những khó khăn về giao tiếp hoặc quan hệ xã hội, sự mất mát, các biến cố hoặc thay đổi trong cuộc sống. Liệu pháp này nhằm mục đích giúp bệnh nhân tương tác hiệu quả hơn với người khác. Những bệnh nhân trầm cảm mức độ nhẹ đến trung bình có thể được trị liệu với các liệu pháp tập trung vào sự gắn bó có cấu trúc, ngắn hạn.
Định hướng thực tế
Đây là một trong những liệu pháp được sử dụng phổ biến nhất. Định hướng thực tế giúp bệnh nhân mất trí nhớ và mất phương hướng nhớ lại sự thật về bản thân và môi trường xung quanh. Ngoài ra, liệu pháp còn định hướng lại bệnh nhân bằng cách kích thích liên tục và định hướng lặp đi lặp lại với môi trường (như thời gian, địa điểm, con người). Liệu pháp này chấp nhận việc sử dụng thường xuyên các thiết bị định hướng như biển chỉ dẫn, thông báo và hỗ trợ trí nhớ. Định hướng thực tế có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức và có thể giúp trì hoãn việc đưa vào viện dưỡng lão.
Liệu pháp hồi tưởng
Giúp bệnh nhân hồi tưởng lại những trải nghiệm tích cực và quan trọng trong quá khứ. Liệu pháp này thúc đẩy việc phục hồi giá trị bản thân, cải thiện động lực, hạnh phúc, tự chăm sóc, hành vi và tương tác xã hội.
Liệu pháp xác nhận
Liên quan đến việc thừa nhận, ủng hộ những cảm xúc và ý nghĩa ẩn sau hành vi và lời nói của bệnh nhân. Liệu pháp xác nhận thúc đẩy sự hài lòng, do đó dẫn đến ít ảnh hưởng tiêu cực và rối loạn hành vi hơn.
Liệu pháp trí nhớ sự kiện phiên ngữ
Trong loại trị liệu này, trí nhớ sự kiện là ký ức về các sự kiện và trải nghiệm gần hoặc xa trong quá khứ, được kiểm tra bằng cách sử dụng các tài liệu nghe hoặc nhìn. Các bài kiểm tra trí nhớ sự kiện bằng lời nói yêu cầu bệnh nhân đọc danh sách các từ hoặc một câu chuyện ngắn để nhớ lại ngay lập tức và sau một ngày.
Liệu pháp thay thế
Các liệu pháp khác bao gồm liệu pháp mùi hương, liệu pháp xoa bóp và xúc giác, nghệ thuật, các hoạt động (như thể thao, kịch, khiêu vũ), liệu pháp ánh sáng và âm nhạc.


Phòng ngừa
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được giúp ngăn ngừa sa sút trí tuệ:
Giảm tổn thương bệnh lý thần kinh (amyloid hoặc qua trung gian tau, mạch máu hoặc viêm)
- Tránh hoặc ngừng hút thuốc
- Điều trị để kiểm soát đái tháo đường
- Ngăn ngừa chấn thương đầu
- Giảm ô nhiễm không khí
- Giảm béo phì ở tuổi trung niên
- Điều trị tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu
- Can thiệp dinh dưỡng (như chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, tiêu thụ nhiều acid béo không bão hòa đơn và đa)
Tăng cường và duy trì quá trình bảo tồn nhận thức
- Đạt được trình độ học vấn cao
- Duy trì tương tác xã hội thường xuyên
- Điều trị suy giảm thính giác và thị giác
Giảm tổn thương bệnh lý thần kinh, tăng cường và duy trì quá trình bảo tồn nhận thức
- Tránh uống nhiều rượu
- Duy trì tập thể dục hoặc hoạt động thể chất thường xuyên
- Thể dục hiếu khí (aerobic) cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần hoặc cường độ mạnh 75 phút/tuần được khuyến cáo ở người lớn ≥65 tuổi
- Giảm triệu chứng trầm cảm đi kèm