Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho Tổng quan về bệnh

Cập nhật: 17 January 2025

Nội dung của trang này:

Nội dung của trang này:

Giới thiệu

Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (CLL) là một rối loạn tăng sinh lympho mạn tính, đặc trưng bởi sự tích lũy tiến triển các tế bào lympho B đơn dòng có trong máu và tủy xương.

Dịch tễ học

Đây là dạng bệnh bạch cầu ở người lớn phổ biến nhất ở phương Tây với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 4,2 trên 100.000 dân mỗi năm. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ (US), ước tính có 215.107 người mắc CLL vào năm 2021. Ngược lại, tỷ lệ mắc CLL cực kỳ thấp ở các nước châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc và Nhật Bản, nơi tần suất ước tính chỉ khoảng 10% so với các nước phương Tây. Trên toàn thế giới, có tới 191.000 trường hợp và 61.000 ca tử vong do CLL mỗi năm.

Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho được coi là bệnh của người lớn tuổi, với độ tuổi chẩn đoán trung bình là 70 tuổi. Tuy nhiên, có tới 10% trường hợp CLL được báo cáo dưới 55 tuổi. CLL có tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn một chút so với nữ giới, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng nữ giới biểu hiện dạng bệnh diễn tiến nhanh hơn. Cuối cùng, CLL được báo cáo có tính nhạy về di truyền, vì các thành viên trong gia đình của bệnh nhân mắc CLL có thể có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 9 lần.

Sinh lý bệnh

Sinh lý bệnh của bệnh bạch cầu mạn dòng lympho liên quan đến các quá trình dẫn đến sự sao chép vô tính tế bào lympho B ác tính trong máu, tủy xương, hạch bạch huyết và lách. Đầu tiên là sự tăng sinh tế bào lympho B đơn dòng (MBL) do nhiều yếu tố như kích thích kháng nguyên, đột biến gen và di truyền tế bào. MBL được định nghĩa là quần thể tế bào lympho B đơn dòng <5.000 tế bào/µL trong máu ngoại vi mà không có bất kỳ triệu chứng hoặc đặc điểm nào của rối loạn tăng sinh tế bào lympho B. Những bất thường thúc đẩy sự phát triển của MBL bao gồm những thay đổi lớn về nhiễm sắc thể (ví dụ như mất đoạn ở nhiễm sắc thể 13q và 11q, tam thể 12) và đột biến ở các gen NOTCH1, MYD88, TP53, ATMPOT1... Sau đó, MBL tiến triển thành CLL do tổn thương thêm đối với dòng tế bào B, do nhiều bất thường về di truyền hơn hoặc những thay đổi trong vi môi trường tủy xương. Một bước quan trọng trong quá trình sinh bệnh của CLL là sự khởi phát tín hiệu tự chủ tế bào không phụ thuộc kháng nguyên của thụ thể kháng nguyên tế bào B (BCR). Cuối cùng, do sự tích lũy của các tế bào B tân sinh không có chức năng, một vài bệnh nhân phát triển các biểu hiện và triệu chứng liên quan đến việc ức chế chức năng của các cơ quan bình thường (ví dụ như hạch to, gan lách to, giảm tế bào máu, nhiễm trùng).

Chronic Lymphocytic Leukemia_Disease BackgroundChronic Lymphocytic Leukemia_Disease Background

Yếu tố nguy cơ

Sau đây là các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bạch cầu mạn dòng lympho:
  • Tiếp xúc với hóa chất
  • Tiền sử gia đình: Họ hàng thế hệ một (nguy cơ tăng gấp 6 đến 9 lần)
  • Chủng tộc: Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở người da trắng so với người Mỹ gốc Phi và người châu Á
  • Giới tính: Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nam giới so với nữ giới
Các bất thường di truyền thường gặp ở bệnh bạch cầu mạn dòng lympho bao gồm:
  • Tiên lượng tốt: Mất đoạn nhiễm sắc thể 13q
  • Tiên lượng xấu: mất đoạn nhiễm sắc thể 17p, 11q, tam thể 12, đột biến gen TP53, NOTCH1, SF3B1, RPS15, đột biến gen ATM có hoặc không có mất đoạn BIRC3, biểu hiện CD49d, CD38, biểu hiện ZAP-70