Mất ngủ Tổng quan về bệnh

Cập nhật: 11 July 2025

Nội dung của trang này:

Nội dung của trang này:

Giới thiệu

Mất ngủ là nhận thức chủ quan về khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, thời gian ngủ, duy trì giấc ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ mặc dù có đủ cơ hội để ngủ và dẫn đến rối loạn hoạt động chức năng vào ban ngày.

Dịch tễ học

Là rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất trong dân số chung. Tương tự ở Hoa Kỳ, mất ngủ là rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất, gây gánh nặng đáng kể cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Do đó, đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng cần được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.

Khoảng 10% người trưởng thành bị mất ngủ. Trong đó, 30-50% dân số bị mất ngủ tạm thời, ngắn hạn. Tỷ lệ mất ngủ mạn tính ước tính ít nhất là 5-10% ở các quốc gia công nghiệp hóa và phổ biến hơn ở phụ nữ và người lớn tuổi.

Sinh lý bệnh

Các đặc điểm ngủ-thức, chẳng hạn như thời gian ngủ và thời điểm ngủ, có cơ sở di truyền. Các gen liên quan đến mất ngủ bao gồm: apolipoprotein (Apo) E4, gen điều chỉnh nhịp sinh học theo chu kỳ 3 (PER3) và gen Clock 3111C/C Clock, cùng nhiều gen khác. Các yếu tố phân tử như orexin, catecholamine và histamine ngăn giấc ngủ, và acid γ-aminobutyric (GABA), adenosine, serotonin, melatonin, prostaglandin D2 thúc đẩy giấc ngủ, đều có liên quan đến sinh lý bệnh của mất ngủ. Ví dụ, orexin làm tăng hoạt động của tế bào thần kinh ở vùng thúc đẩy sự tỉnh táo và ức chế các vùng thúc đẩy giấc ngủ ở vùng hạ đồi là một cơ chế có thể dẫn đến mất ngủ.

Mất ngủ liên quan đến hoạt hóa về mặt sinh lý hoặc trạng thái tăng kích thích hoặc tăng hoạt động thể chất, nhận thức và hoạt hóa vỏ não. Hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh tự chủ ở bệnh nhân mất ngủ được hoạt hóa dẫn đến những thay đổi trên tim, chuyển hóa và nội tiết tố. Tiếp đó, sự hoạt hóa này dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém, rối loạn hoạt động chức năng ban ngày, tăng tốc độ trao đổi chất và các triệu chứng lo âu mà bệnh nhân đã báo cáo.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố quan trọng dẫn đến mất ngủ:
  • Tuổi cao: người cao tuổi phải được đánh giá tình trạng mất ngủ vì có nhiều dạng khó ngủ hơn được báo cáo bao gồm tỷ lệ hiệu quả giấc ngủ thấp hơn, thời gian đi vào giấc ngủ dài hơn, số lần thức giấc vào ban đêm tăng, thời gian nằm trên giường nhiều hơn, thời gian thức dậy sớm hơn và nhiều giấc ngủ ngắn vào ban ngày hơn
  • Giới tính nữ
  • Bệnh lý y khoa và tâm thần (như trầm cảm, rối loạn cảm xúc)
  • Các yếu tố kinh tế xã hội (như căng thẳng trong hôn nhân, căng thẳng về tài chính, thất nghiệp)
Insomnia_Disease BackgroundInsomnia_Disease Background

Phân loại

Rối loạn mất ngủ ngắn hạn

Trong rối loạn mất ngủ ngắn hạn, các triệu chứng hiện diện trong <3 tháng. Mất ngủ ngắn hạn còn gọi là mất ngủ điều chỉnh hoặc mất ngủ cấp tính. Có sự hiện diện của mất ngủ với một tác nhân gây căng thẳng có thể xác định. Rối loạn giấc ngủ có thời gian tương đối ngắn, xảy ra trong vài ngày đến vài tuần và rối loạn này được mong đợi sẽ chấm dứt khi tác nhân gây căng thẳng được giải quyết hoặc khi cá nhân thích nghi. Rối loạn giấc ngủ ngắn hạn liên quan đến môi trường ngủ không quen thuộc, trạng thái căng thẳng, bệnh lý cấp tính hoặc đau đớn, làm việc theo ca hoặc sử dụng caffeine hoặc rượu. Chẩn đoán chỉ có thể được khẳng định sau khi lui bệnh. Rối loạn mất ngủ ngắn hạn thường khởi phát do: thay đổi môi trường ngủ, trạng thái căng thẳng quá mức, vệ sinh giấc ngủ kém hoặc rối loạn nhịp sinh học ngắn hạn như lệch múi giờ và làm việc theo ca luân phiên.

Rối loạn mất ngủ mạn tính

Trong rối loạn mất ngủ mạn tính, mất ngủ đã hiện diện ít nhất 3 tháng với tần suất ít nhất 3 lần/tuần. Bao gồm các thuật ngữ trước đây là mất ngủ nguyên phát, mất ngủ thứ phát và mất ngủ đi kèm. Bệnh nhân mất ngủ mạn tính nên được đánh giá về trầm cảm.