Táo bón ở trẻ em Tổng quan về bệnh

Cập nhật: 21 January 2025

Nội dung của trang này:

Nội dung của trang này:

Giới thiệu

Táo bón được định nghĩa là tình trạng chậm đi tiêu hoặc khó đi tiêu kéo dài ≥2 tuần, gây ra tình trạng khó chịu đáng kể. Đây là vấn đề tiêu hóa phổ biến nhưng không phải là bệnh và thường không nghiêm trọng.

Dịch tễ học

Táo bón ở trẻ em thường xảy ra lần đầu ở giai đoạn trẻ tập đi từ 2 đến 4 tuổi. Tỷ lệ táo bón ở trẻ em ước tính lên tới 30% trên toàn thế giới. Táo bón ở trẻ em chiếm 3% trong tổng số các lần thăm khám ban đầu và lên đến 25% bệnh nhi chuyển đến bác sĩ nhi khoa chuyên về tiêu hóa. Đây là vấn đề sức khỏe toàn cầu với cả các nước phát triển và đang phát triển đều cho thấy tỷ lệ mắc cao. Táo bón chức năng là nguyên nhân gây táo bón phổ biến nhất, chiếm >95% các trường hợp táo bón. Không có sự khác biệt về tỷ lệ táo bón chức năng giữa bé gái và bé trai.

Sinh lý bệnh

Táo bón thường bắt đầu khi trẻ chuyển sang ăn thức ăn đặc, tập đi vệ sinh hoặc khi bắt đầu đi học. Táo bón dẫn đến đau khi đi tiêu, do đó khiến trẻ nhịn đi tiêu. Ngược lại, nhịn đi tiêu làm tăng hấp thụ nước ở đại tràng, khiến phân cứng hơn và khó đi tiêu hơn. Theo thời gian, tình trạng giữ phân sẽ kéo căng trực tràng, làm giảm cảm giác muốn đi tiêu. Cuối cùng, tình trạng tích tụ phân trong trực tràng dẫn đến giảm khả năng làm rỗng dạ dày, kết quả gây ra chướng bụng, buồn nôn và chán ăn. 

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể gây táo bón:  
  • Đau 
  • Mất nước 
  • Các vấn đề tâm lý (như trầm cảm, rối loạn giảm chú ý, lạm dụng tình dục) 
  • Tập đi vệ sinh ở trẻ 
  • Sốt 
  • Chế độ dinh dưỡng và lượng nước uống 
  • Dị ứng protein sữa bò 
  • Thuốc (như opioid, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng cholinergic) 
  • Tiền sử gia đình bị táo bón 
  • Nhịn đi tiêu có thể là do bỏ qua cảm giác muốn đi tiêu do ám ảnh nhà vệ sinh, quá bận rộn, không có nhà vệ sinh và bị đau khi đi đại tiện 
  • Thay đổi thói quen (như: đi du lịch, căng thẳng, thời tiết nóng) 
  • Tình trạng bệnh lý (như bệnh ruột non, trực tràng hoặc hậu môn, bệnh lý chuyển hóa hoặc nội tiết) 

Phân loại

Các loại táo bón  

Táo bón chức năng hay táo bón vô căn là táo bón không thể giải thích bằng các bất thường về giải phẫu, sinh lý, hình ảnh học hoặc mô học. Táo bón do nguyên nhân thực thể là loại táo bón có liên quan đến nguyên nhân sinh lý hoặc thực thể có thể xác định được và có sự hiện diện của dấu hiệu nguy hiểm và/hoặc dấu hiệu cảnh báo. Táo bón mạn tính là táo bón kéo dài hơn 8 tuần.