Content:
Giới thiệu
Nội dung của trang này:
Giới thiệu
Dịch tễ
Sinh lý bệnh
Yếu tố nguy cơ
Phân loại
Nội dung của trang này:
Giới thiệu
Dịch tễ
Sinh lý bệnh
Yếu tố nguy cơ
Phân loại
Giới thiệu
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý trong đó có sự phát triển phụ thuộc vào estrogen của mô tương tự như niêm mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung, dẫn đến một phản ứng viêm mạn tính. Mức độ bệnh khác nhau nhưng các cơ quan vùng chậu (đặc biệt là buồng trứng) và phúc mạc thường bị ảnh hưởng.
Dịch tễ
Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh phổ biến nhất trong độ tuổi từ 22-29 và có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. So với phụ nữ da trắng, tỷ lệ mắc bệnh của phụ nữ châu Á là cao hơn, ảnh hưởng tới khoảng 15% tổng số phụ nữ, trong khi đó tỷ lệ mắc bệnh của phụ nữ châu Phi thấp hơn. Tại Ấn Độ, có khoảng 26 triệu người được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung với tỷ lệ mắc mới từ 34 đến 48% khi chẩn đoán qua nội soi ổ bụng. Ở Hàn Quốc, theo kết quả của một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu, tỷ lệ hiện mắc bệnh điều chỉnh theo tuổi tăng từ 2,12 trên 1.000 dân vào 2002 lên đến 3,56 trên 1.000 dân vào 2013 ở phụ nữ 15 đến 54 tuổi. Ở Thái Lan, tỷ lệ mắc bệnh được báo cáo khác nhau tùy tình hình cụ thể, dao động từ 8,6% ở bệnh nhân nằm viện đến 78,4% ở người bị đau bụng kinh nghiêm trọng.
Sinh lý bệnh
Cơ chế bệnh sinh của lạc nội mạc tử cung vẫn chưa rõ ràng, các giả thuyết gồm kinh nguyệt ngược dòng (giả thuyết của Sampson), vấn đề của hệ thống miễn dịch, thay đổi chuyển sản của tế bào trung biểu mô màng bụng, sự lan truyền của mô nội mạc tử cung qua hệ thống máu hoặc bạch huyết, sự biệt hóa của tế bào từ tủy xương thành mô nội mạc tử cung lạc chỗ, và gia tăng độ nhạy cảm với estrogen cùng với tăng kháng progesterone.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ của lạc nội mạc tử cung bao gồm:
- Di truyền, đặc biệt là người thân trực hệ
- Tiếp xúc kéo dài với estrogen nội sinh (dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn)
- Chu kì kinh nguyệt ngắn
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp
- Tắc nghẽn lưu thông kinh nguyệt (ví dụ: dị dạng müllerian)
- Tiêu thụ nhiều thịt đỏ và chất béo dạng trans
Phân loại
Các loại lạc nội mạc tử cung bao gồm u nội mạc buồng trứng hoặc u nang sôcôla, lạc nội mạc tử cung bề mặt màng bụng, lạc nội mạc tử cung xâm lấn sâu (tổn thương xâm nhập >5 mm vào màng bụng), và lạc nội mạc tử cung lan tỏa.