Suy tim - Mạn tính Đánh giá ban đầu

Cập nhật: 21 January 2025

Nội dung của trang này:

Nội dung của trang này:

Biểu hiện lâm sàng

Bệnh nhân suy tim có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy giảm khả năng gắng sức và ứ dịch. Giảm khả năng gắng sức có thể là khó thở và/hoặc mệt mỏi khi nghỉ ngơi hoặc trong khi tập thể dục và bệnh nhân có thể không nhận thấy các triệu chứng vì chúng xuất hiện từ từ. Ứ dịch có thể rõ ràng nếu bệnh nhân than phiền các triệu chứng chủ yếu là sưng chân hoặc bụng.

Những bệnh nhân khác không biểu hiện triệu chứng hoặc các triệu chứng có thể được giải thích bằng bệnh tim khác hoặc các bệnh khác. Có thể phát hiện ra tình trạng phì đại hoặc rối loạn chức năng tim trong quá trình đánh giá bệnh khác không phải suy tim.

Chẩn đoán suy tim đòi hỏi phải hỏi tiền sử và khám thực thể cẩn thận, xác định nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ, cũng như thực hiện các kiểm tra chẩn đoán về cấu trúc và chức năng tim. Bằng cách đó, các bệnh xác định cần được điều trị đặc hiệu.

Tiền sử

Nhiều triệu chứng của suy tim không đặc hiệu và không phân biệt được giữa suy tim và các bệnh khác.

Các triệu chứng suy tim đặc hiệu hơn bao gồm khó thở khi nghỉ ngơi hoặc khi gắng sức hoặc không thể thở, khó thở kịch phát về đêm, khó thở khi nằm, giảm khả năng gắng sức, mệt mỏi hoặc thời gian phục hồi sau khi tập thể dục kéo dài hơn và phù nề hoặc sưng mắt cá chân.

Các triệu chứng suy tim ít đặc hiệu hơn bao gồm ho về đêm, thở khò khè, hồi hộp, chóng mặt, khó thở khi cúi gập người, cảm giác đầy hơi, chán ăn, lú lẫn (đặc biệt ở người cao tuổi), trầm cảm và ngất xỉu.

Trong quá trình khai thác bệnh sử, điều quan trọng là phải xác định khuynh hướng mắc các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là trong lối sống (ví dụ như hút thuốc, chế độ ăn uống, uống rượu, lạm dụng chất gây nghiện và ít vận động). Cũng cần phải xem xét tiền sử bệnh của bệnh nhân để xác định nguyên nhân có thể gây suy tim và sự hiện diện của các bệnh đồng mắc (ví dụ như tiền sử bệnh mạch vành hoặc tăng huyết áp động mạch, phẫu thuật tim trước đó, bệnh phổi, gan hoặc thận mạn tính, nhiễm bệnh do virus corona 2019 [COVID-19]). Việc sàng lọc bệnh nhân suy tim để tìm các bệnh đồng mắc về tim mạch và không phải tim mạch giúp làm giảm các triệu chứng và cải thiện tiên lượng. Cần lưu ý đến các liệu pháp điều trị chuẩn hoặc thay thế và hóa trị liệu hiện tại hoặc trước đây (ví dụ như sử dụng thuốc lợi tiểu, tiếp xúc với bức xạ hoặc thuốc gây độc cho tim).

Tiền sử gia đình để xác định khuynh hướng gia đình mắc bệnh xơ vữa động mạch, bệnh cơ tim (thu thập tiền sử gia đình 3 thế hệ), bệnh của hệ thống dẫn truyền hoặc loạn nhịp tim nhanh cũng rất quan trọng.

Khám thực thể

Các dấu hiệu đặc hiệu hơn của suy tim bao gồm tiếng ngựa phi T3, diện đập mỏm tim lệch sang một bên hoặc to hơn, tăng áp lực tĩnh mạch cảnh (JVP) và phản hồi gan tĩnh mạch cảnh.

Các dấu hiệu ít đặc hiệu của suy tim bao gồm mạch không đều, nhịp tim nhanh với mạch so le, huyết áp kẹp, tiếng thổi hoặc tiếng ngựa phi T4, ran trong phổi, giảm thông khí hoặc âm đục ở đáy phổi, nhịp thở nhanh hoặc khó thở khi nằm, tăng cân (>2 kg/tuần), sụt cân (ở bệnh nhân suy tim tiến triển) hoặc thiểu niệu. Các dấu hiệu khác cũng có thể được nhìn thấy như gan to, báng bụng, phù ngoại biên hoặc phù mắt cá chân hai bên, lạnh đầu chi hoặc suy mòn.

Đánh giá tình trạng thể dịch

Đánh giá tình trạng thể dịch của bệnh nhân giúp xác định nhu cầu điều trị lợi tiểu. Việc đánh giá này là cần thiết để phát hiện bất kỳ tình trạng thừa hoặc thiếu natri nào có thể ảnh hưởng đến hiệu quả và làm giảm khả năng dung nạp của thuốc được sử dụng để điều trị suy tim. Tại mỗi lần khám, hãy ghi lại cân nặng của bệnh nhân, các dấu hiệu sinh tồn đặc biệt là huyết áp (BP) (ngồi và đứng) và các phát hiện bất thường khác về thể chất bao gồm cả tình trạng sung huyết lâm sàng.

Chẩn đoán hoặc tiêu chuẩn chẩn đoán

Chẩn đoán suy tim đòi hỏi phải hỏi tiền sử và khám thực thể cẩn thận, xác định nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ, cũng như thực hiện các kiểm tra chẩn đoán về cấu trúc và chức năng tim để xác định các bệnh cần được điều trị đặc hiệu.

Tiêu chuẩn Framingham chẩn đoán suy tim

Suy tim được chẩn đoán với ≥2 tiêu chuẩn chính hoặc 1 tiêu chuẩn chính kèm 2 tiêu chuẩn phụ.

Các tiêu chuẩn chính bao gồm giãn tĩnh mạch cảnh, khó thở khi nằm, ran ở phổi, phù phổi cấp, tim to, tiếng ngựa phi T3 và phản hồi gan tĩnh mạch cảnh.

Các tiêu chuẩn phụ bao gồm ho về đêm, khó thở khi gắng sức, tràn dịch màng phổi, nhịp tim >120 lần/phút (bpm), gan to và phù mắt cá chân.

Điểm H2FPEF

Do thiếu xét nghiệm để chẩn đoán xác định HFpEF, có thể sử dụng hệ thống tính điểm chẩn đoán để hỗ trợ đánh giá bệnh nhân nghi ngờ HFpEF. Điểm số ≥6 điểm có khả năng cao chẩn đoán HFpEF và mỗi thành phần được phân loại như sau:
  • [Heavy] Cân nặng (chỉ số khối cơ thể [BMI] >30 kg/m2) (2 điểm)
  • [Hypertension] Tăng huyết áp (đang dùng ≥2 loại thuốc chống tăng huyết áp) (1 điểm)
  • [atrial Fibrillation] Rung nhĩ (3 điểm)
  • [Pulmonary hypertension] Tăng áp phổi (áp lực tâm thu động mạch phổi >35 mmHg trên siêu âm tim Doppler) (1 điểm)
  • [Elder] Người cao tuổi (>60 tuổi) (1 điểm)
  • [Filling pressures] Áp lực đổ đầy (E/e’ >9 trên siêu âm tim Doppler) (1 điểm)