Viêm gan B Tổng quan về bệnh

Cập nhật: 21 January 2025

Nội dung của trang này:

Nội dung của trang này:

Giới thiệu

Virus viêm gan B ở người thuộc họ Hepadnaviridae gồm các virus DNA nhỏ, có vỏ bọc, chủ yếu hướng gan. Virus nhân lên trong vật chủ và chỉ cư trú trong tế bào gan, và các virion được giải phóng thông qua con đường bài tiết tế bào mà không gây bệnh cho tế bào.

Viêm gan B mạn tính được định nghĩa là bệnh viêm gan hoại tử mạn tính do nhiễm virus viêm gan B dai dẳng. Nhiễm virus viêm gan B mạn tính xảy ra khi bệnh nhân có kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HbsAg)- huyết thanh dương tính hơn 6 tháng.

Virus viêm gan D

Viêm gan D cần nhiễm viêm gan B để nhân lên. Bệnh do viêm gan D có thể cấp hoặc mạn tính, là đồng nhiễm hoặc bội nhiễm. Viêm gan D mạn tính là dạng viêm gan virus hung hãn nhất bởi vì bệnh tiến triển nhanh thành xơ gan hoặc ung thư gan. Đồng nhiễm viêm gan virus B/ viêm gan virus D cấp tính có thể tự khỏi. Bội nhiễm có thể dẫn đến tiến triển nhanh thành xơ gan hoặc suy gan trong vòng 5-10 năm trên 70-80% hoặc trong vòng 1-2 năm trên 15% dân số bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B/ virus viêm gan D.

Viêm gan D ảnh hưởng gần 5% bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B mạn tính toàn cầu. Tỷ lệ lưu hành nhiễm virus viêm gan D cao được báo cáo từ các quốc gia ở Tây và Trung Phi, Đông và Nam Âu, Trung Đông và Đông Á.

Dịch tễ học

Viêm gan B ảnh hưởng đến 296 triệu người trên thế giới. Bệnh có tỷ lệ lưu hành từ trung bình đến cao ở khu vực châu Á, chiếm 3/4 số người dương tính với virus viêm gan B mạn tính trên toàn thế giới. Gần một nửa số người nhiễm virus viêm gan B trên toàn cầu đến từ khu vực Tây Thái Bình Dương (37 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và Việt Nam, theo Tổ chức Y tế Thế giới [WHO]).

Tỷ lệ lưu hành nhiễm virus viêm gan B ở châu Á tính đến năm 2019 theo WHO báo cáo là 2,95-10,47% ở Đông Á, với tỷ lệ cao nhất là ở Bắc Triều Tiên. Nam Á có tỷ lệ lưu hành là 1,12-2,93%, với tỷ lệ cao nhất là ở Ấn Độ.

Ở Trung Quốc, theo WHO, ước tính có 70-80 triệu người viêm gan B mạn tính. Tại Hồng Kông, theo một nghiên cứu huyết thanh học lớn, tỷ lệ lưu hành thô của bệnh nhân dương tính với HBsAg trong dân số nói chung là 7,8% trong khi tỷ lệ lưu hành đã điều chỉnh theo độ tuổi và giới tính là 7,2%. Tại Ấn Độ, tỷ lệ bệnh nhân dương tính với HBsAg là 1,1-12,2% và ước tính có 40 triệu người lây nhiễm mạn tính. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ bệnh nhân dương tính với HBsAg đã giảm xuống còn 3% vào năm 2008.

Tại Malaysia, tổng cộng 35.861 trường hợp đã được báo cáo đến Bộ Y tế vào năm 2017 với tỷ lệ mắc bệnh là 12,65/100.000 dân vào năm 2015. Myanmar là một trong 28 quốc gia ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát viêm gan do virus theo WHO, với khoảng 3,3 triệu người được chẩn đoán mắc viêm gan B. Tại Philippines, viêm gan B có tỷ lệ lưu hành cao, ảnh hưởng đến khoảng 16,7% dân số chung hoặc 7,3 triệu người vào năm 2013.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc viêm gan B mạn tính được cho là 8-25%. WHO ước tính tỷ lệ mắc viêm gan B tại Việt Nam vào khoảng 8,1%, ảnh hưởng đến ít nhất 7,7 triệu người.

Nhiễm viêm gan B mạn tính có thể phát triển ở gần một nửa số trẻ em bị nhiễm virus viêm gan B trước 6 tuổi và ở <5% số người bị nhiễm khi trưởng thành. Đồng nhiễm viêm gan B với virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) ảnh hưởng đến 2,7 triệu người trên toàn cầu.

Sinh lý bệnh

Trong giai đoạn nhiễm cấp tính, virus viêm gan B (HBV) sản xuất các protein nucleocapside (HBcAg, hoặc ở phạm vi ít hơn là HBeAg) trên màng tế bào gan với vai trò là kháng nguyên virus. Các kháng nguyên này sẽ được tế bào T ly giải tế bào (cytolytic T-cells) nhận diện và cố gắng loại bỏ nhưng cuối cùng điều này làm tổn thương cả các tế bào gan. Một số bệnh nhân phục hồi sau giai đoạn nhiễm cấp, tuy nhiên, do sự khác biệt hoặc khả năng suy giảm của tế bào T ly giải tế bào về đáp ứng hoặc chức năng cùng với việc sản xuất cytokine kháng virus của các tế bào này, một số bệnh nhân có thể tiến triển thành viêm gan mạn tính.

Phân loại

Các giai đoạn viêm gan B mạn tính

Nhiễm HBV mạn tính HBeAg-dương tính (dung nạp miễn dịch) đặc trưng bởi các đặc điểm sau:
  • Hiện diện HBeAg huyết thanh
  • Tải lượng HBV DNA rất cao
  • Nồng độ ALT trong giới hạn bình thường (<19 U/L đối với nữ và <30 U/L đối với nam) hoặc tăng nhẹ
  • Xơ hóa gan hoặc viêm gan hoại tử không có hoặc ở mức tối thiểu
  • Xảy ra thường xuyên và kéo dài ở những bệnh nhân bị nhiễm trong thời kỳ chu sinh và liên quan đến chức năng tế bào T đặc hiệu của virus viêm gan B được bảo tồn ít nhất cho đến tuổi trưởng thành
  • Bệnh nhân giai đoạn này có nguy cơ lây truyền cao bởi vì có tải lượng HBV DNA cao
Viêm gan B mạn tính HBeAg-dương tính (HBeAg (+) hoạt động miễn dịch) đặc trưng bởi các đặc điểm sau:
  • Hiện diện HBeAg huyết thanh
  • Tải lượng HBV DNA cao
  • Nồng độ ALT tăng
  • Viêm gan hoại tử mức độ từ trung bình đến nặng và xơ hóa tiến triển nhanh
  • Thường xảy ra ở bệnh nhân bị nhiễm trong giai đoạn tuổi trưởng thành
  • Bệnh nhân có thể chuyển đổi huyết thanh HBeAg và ức chế HBV DNA, tiến triển sang giai đoạn HBeAg-âm tính hoặc có thể mất kiểm soát HBV và tiến triển sang giai đoạn viêm gan B mạn tính HBeAg-âm tính sau nhiều năm
Nhiễm virus viêm gan B mạn tính HBeAg-âm tính (mang mầm bệnh không hoạt động) đặc trưng bởi các đặc điểm sau:
  • Không hiện diện HBeAg huyết thanh   
  • HBV DNA không thể phát hiện hoặc tải lượng thấp (<2.000 IU/mL)   
  • Nồng độ ALT bình thường   
  • Viêm gan hoại tử mức độ tối thiểu và xơ hóa đa dạng như là kết quả của tổn thương gan trước đó trong giai đoạn HBeAg (+) hoạt động miễn dịch   
  • Nguy cơ thấp tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư biểu mô gan (HCC) nhưng có thể tiến triển thành viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính HBeAg-âm tính (HBeAg (-) tái hoạt động miễn dịch) đặc trưng bởi các đặc điểm sau:
  • Không hiện diện HBeAg huyết thanh và thường có thể phát hiện anti-HBe
  • HBV DNA huyết thanh từ trung bình đến cao dai dẳng hoặc từng đợt
  • Nồng độ ALT tăng dai dẳng hoặc từng đợt
  • Hiện diện viêm gan hoại tử và xơ hóa
  • Có một tỷ lệ thấp lui bệnh tự nhiên
HBsAg-âm tính (nhiễm HBV tiềm ẩn):   
  • HBsAg huyết thanh âm tính và kháng thể kháng HBcAg (+), có hoặc không thể phát hiện kháng thể kháng HBsAg
  • Nồng độ ALT bình thường
  • Thông thường nhưng không phải là tất cả, HBV DNA huyết thanh không thể phát hiện
  • Gan thường có thể phát hiện HBV DNA (DNA vòng đồng hóa trị [cccDNA])
  • Một vài nghiên cứu cho thấy hầu hết bệnh nhân nhiễm HBV tiềm ẩn đều có sinh hóa gan bình thường và không có viêm gan hoại tử và xơ hóa hoặc ở mức độ tối thiểu
  • Tuy nhiên, vẫn có liên quan với sự phát triển xơ gan hoặc HCC